Chuyện đời Đăng vào ngày

Sự im lặng của người tốt

Cần bảo vệ những kẻ mạnh chống lại những kẻ yếu – Nietzsche, nhưng ta biết tính chất vô vọng của công việc này. Kẻ mạnh có thể chống lại kẻ yếu, nhưng không chống được việc trở thành kẻ yếu, cái kẻ chính là anh ta. Vì thế mà cộng đồng phải có ý thức bảo vệ kẻ mạnh, và mỗi cá nhân phải có ý thức bảo vệ sức mạnh trong con người mình, chống lại sự yếu đuối của chính mình.

Deleuze giải thích và amvc.fr bình luận

Bảo vệ kẻ mạnh chống lại kẻ yếu trong mỗi chúng ta

Tôi không nói đến kẻ mạnh và kẻ yếu trong xã hội, mà tôi muốn nói đến kẻ mạnh và kẻ yếu trong chính mỗi chúng ta – như phần trích dẫn mở đầu – chúng ta thấy rằng trong mỗi con người chúng ta, luôn tồn tại song song kẻ mạnh và kẻ yếu, cũng như cái thiện và cái ác.

Tối mấy hôm trước, tôi ghé quán café để đón một người bạn cùng phòng, thì chứng kiến cảnh chửi nhau, xô xát trong quán, nhưng trong khoảnh khắc đó tôi lại chẳng làm được gì cả. Tôi chỉ là một cô gái, chỉ là một cô sinh viên vừa bước vào năm hai, tôi không thể dùng sức mạnh của nắm đấm cũng không thể dùng quyền uy chính trị để can thiệp vào cuộc xô xát. Tôi chỉ biết cách im lặng, đứng nhìn và rồi mang một nỗi suy tư về tới phòng, nhắn kể với anh.

Nhớ lại, cũng trong một tình huống tương tự, anh trai tôi từng kể, khi anh trai tôi chạy xe qua một ngã tư thì chứng kiến một vụ va chạm xe, một cậu nhóc sinh viên (đoán vậy) nhỏ hơn anh trai tôi tầm ba tuổi và một vài người đang đứng vây quanh – có lẽ là bên đang muốn gây sự sau khi va chạm – trước sự bối rối và lo lắng của cậu sinh viên kia. Anh trai tôi đã dừng xe lại “có chuyện gì vậy em?” – tỏ ra như quen biết với cậu nhóc sinh viên ấy. “Không có gì đâu” – nhóm người kia trả lời. “Vậy thôi, về đi em” nói với cậu sinh viên, và “nó là em anh, nếu không có chuyện gì thì thôi giải tán nha” – anh trai tôi vừa kèm cậu ta qua ngã tư, vừa nói vọi với đám người đang lộn xộn ngay ngã tư. Chắc hẳn anh trai mình khi đó thật cool ngầu.

Anh kể cho tôi nghe, có một lần trong cuộc họp trên công ty, lần đó anh đã đứng dậy chất vấn ban giám đốc để đòi quyền lợi cho một cậu em đồng nghiệp về việc đóng góp của cậu ta vào những công việc không tên của công ty nhưng lại không được ghi nhận. Anh nói, đó là lần đầu tiên anh làm; và sau này em có đi làm chốn công sở, em sẽ thấy chẳng ai “dại gì” đối đầu với sếp vì quyền lợi của một người khác – cậu kia lại chẳng phải nhân viên của anh. Mặc dù anh không kể về kết quả nhưng tôi tin, đó đã là một kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, anh nói, không phải lúc nào mọi chuyện cũng tốt đẹp như vậy. Không phải lúc nào kẻ “mạnh” cũng chiến thắng sự yếu đuối của chính mình. Đó chính là khi người tốt im lặng.

Bạn thờ ơ và im lặng trước cái xấu thì bạn cũng sẽ nhận lại sự thờ ơ, im lặng khi bị cái xấu tấn công

Khi người tốt im lặng

Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt.

Napoléon Bonaparte

Anh kể, có lần anh ghé Circle K, gặp cảnh một người Hàn Quốc đang làm khó cô bé bán hàng vì thẻ điện thoại ông ta vừa mới mua không thể nạp. Anh đã đứng ra giúp đỡ thì phát hiện sim của ông ta đã bị khóa và giải thích cho ông ta. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, người đàn ông Hàn Quốc kia đòi trả lại thẻ đã mua, chửi cô bé bán hàng với giọng điệu rất lớn khiến cô ấy sợ, mặc dù cô ấy cố giải thích số thẻ đã in ra rồi thì không trả lại được. Khi đó, anh lại chẳng biết làm gì cả. Anh đã chọn im lặng chứng kiến cho đến khi người đàn ông bắt cô gái trả lại tiền. Có lẽ cô ấy sẽ phải “ôm” luôn cái thẻ cào đó với mức lương bán hàng, vừa đủ một ngày công.
Anh bước ra khỏi cửa hàng với một nỗi dằn vặt, nó theo anh tận 3-4 ngày sau.

Anh nói với tôi, anh không dám nhận mình là người tốt, nhưng chí ít, khi đó anh đã có thể lựa chọn một hành động tốt hơn để bảo vệ người bán hàng thay vì im lặng – mà sau này anh bảo đó là một hành động không thể diễn tả hay lý giải được.

Ngay từ nhỏ, chúng ta thường được bố mẹ “dạy dỗ” rằng “không được lo chuyện bao đồng” hay “không nên can dự vào những tranh cãi mà không liên quan tới lợi ích của mình”. Tôi không cho rằng bố mẹ chúng ta đã sai khi dạy chúng ta những điều đó, bởi với cương vị của một người bố, người mẹ, không có gì là quan trọng hơn bảo vệ con cái của mình cả. Nhưng vô hình trung, những lời dạy này đã biến những người tốt trong lai trở nên im lặng hơn??!!

Cuộc đời chúng ta kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng – Martin Luther King Jr.

Nhưng sẽ không còn im lặng thêm nữa?

Vẫn còn đó Bức xúc không làm ta vô can của TS. Đặng Hoàng Giang hay Kẻ trăn trở của TS. Lương Hoài Nam, những con người luôn đau đáu với những bất cập của xã hội đương thời, họ lên tiếng và dùng sức ảnh hưởng của mình để truyền tải thông điệp tới nhiều người, nhiều bạn trẻ hơn, với một niềm tin rằng, những chìa khóa tương lai của đất nước sẽ không còn im lặng, thờ ơ hay lãnh cảm trước các vấn đề xã hội.

Người trẻ bắt đầu lên tiếng và phản đối những công ty sử dụng bản đồ đường lưỡi bò. Người trẻ lên tiếng bằng hành động khi có ai đó tiện tay vứt rác ngoài đường. Người trẻ dám đứng lên đối chấp với nhà trường khi có bạn trong lớp bị bắt nạt.

Hay chỉ đơn giản, như anh và tôi, đã phải trăn trở vì việc im lặng của mình. Chúng tôi đã không đủ mạnh để biến nó thành hành động trong khoảnh khắc đó. Nhưng nếu có lần sau, nhất định chúng tôi sẽ làm khác đi.

Các bạn trẻ bây giờ cũng trở nên trăn trở hơn với thực trạng xã hội, thay cho thái độ thờ ơ, lãnh cảm hay im lặng mà chúng ta thường thấy trên MXH trước đây. Họ bắt đầu quan tâm tới năng lượng xanh, họ quan tâm tới vật liệu tái tạo, họ quan tâm tới quyền trẻ em, quyền con người… Có thể chỉ bắt đầu bằng những sự quan tâm, những bài viết trên MXH, những bình luận khi café với bạn bè, nhưng chí ít, đã có sự thay đổi bên trong chính con người họ, ngày qua ngày, ý hành sinh khẩu hành, khẩu hành sinh thân hành, đó sẽ là những hành động cụ thể.

Là một cô gái học chuyên ban Xã hội, tôi thuộc lòng Phong trào phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam. Bấy giờ, ở những năm thập niên 60-70, bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, các học sinh sinh viên, các nghệ sĩ và cả phụ nữ, từ nước Mỹ xa xôi, sau đó lan rộng ra các nước Châu Âu khác, họ đã chọn không im lặng, họ đã chọn lên tiếng phản đối chiến tranh phi nghĩa, phản đối sự can thiệp bằng vũ trang của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Xã hội vẫn tồn tại, dù trải qua hàng ngàn năm hình thành, thay đổi và phát triển, chúng ta vẫn phải thích nghi. Tuy nhiên, chúng ta có thể lựa chọn im lặng và cam chịu – như cách Bức xúc không làm ta vô can nói “Trong thâm tâm, người ta có thể lên án, nhưng bên ngoài họ im lặng, và (…) họ sống trong một sự dối trá”; hoặc chúng ta có thể lựa chọn dám lên tiếng, đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận