Chuyện học Đăng vào ngày

Thầy cô – những sứ mệnh và tình yêu thương vô bờ bến

Anh dẫn tôi đi ăn chung với một vài người thầy cô cũ của anh, anh giới thiệu cho tôi ai dạy môn gì, ký ức với anh như thế nào. Phải nói rằng anh là một người theo chủ nghĩa giáo dục “ghê gớm”, anh luôn trân quý những người thầy người cô cũ – những người đã mang cho anh con chữ, mang cho anh kiến thức, tôi luyện anh nên người và đưa anh ra khỏi sự nghèo khổ trên mảnh đất quê hương.
Chuyện phải bắt đầu vào chục năm trước, anh kể, lúc đó anh còn là một cậu học sinh cấp Ba, anh đi học đêm ở nhà một người thầy làng trên, anh và hai người bạn nữa xin ngủ ở lại nhà thầy, vì học đến khuya thì đường ở quê khá vắng vẻ. Cho đến một đêm, trong lúc mơ màng ngủ, anh thấy bóng dáng người thầy bước vào phòng kiểm tra và chỉnh lại chăn màn cho anh, đó là người duy nhất ngoài bố mẹ, đã đi kiểm tra xem anh có ngủ ngon giấc hay không rồi mới yên tâm đi ngủ. Từ cái khoảnh khắc ấy, hai chữ thầy cô trong anh đã trở nên cao quý hơn bất cứ thứ gì khác, anh luôn tâm niệm rằng, nhất tự vi sư bán tự vi sư.
Đoạn anh kể, tôi cũng chợt nhớ về những người thầy cô của tôi, những người mang trên mình sứ mệnh trồng người, mang trên mình nhiệm vụ cao cả không phải chỉ đối với một vài người, mà với cả dân tộc, với cả nhân loại – những người phải gánh vác việc đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm giáo dục.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thầy cô luôn được so sánh hay ẩn dụ với hình ảnh người bố người mẹ thứ hai của chúng ta, vì tôi tin chắc rằng, ngoài bố mẹ chúng ta, thì còn có thầy cô là những người thật lòng mong muốn, cầu chúc cho chúng ta thành công, và là người vui vẻ, hạnh phúc khi thấy chúng ta thành công.
Thầy dạy địa lý cho chúng tôi suốt những năm cấp Ba, đã chia sẻ trong buổi tiệc cuối năm rằng, thầy chẳng cần sau này chúng tôi mang quà cáp tới hỏi thăm thầy đâu, mà thầy mong rằng, khi chúng tôi gặt hái được thành công nào đó, hay có lỡ vấp ngã trên đường đời, đừng quên còn có thầy, bất cứ khi nào trừ những hôm nào thầy lên lớp, chúng tôi đều có thể ghé mua một con vịt quay mang tới nhà, thầy và chúng tôi sẽ tâm sự, tỉ tê với nhau. Thầy mong chờ điều này hơn gấp vạn lần quà cáp của chúng tôi, và thầy cũng mong rằng, chúng tôi sẽ thật sự thành công, thầy sẽ tự hào vì chúng tôi rất nhiều.
Thì ra, trong sự nghiệp trồng người, thầy cô chẳng mong muốn ngày hái quả, mà chỉ mong cho cây cối nhanh tốt tươi, mong cho cây nào cũng sai trĩu quả, mong cho cây nào cũng cung cấp ra sản phẩm tốt cho đời.
Thế nhưng nghề giáo cũng bạc bẽo lắm, cô giáo chủ nhiệm của tôi đã nói như thế, cái thời của cô người ta vẫn thường kháo nhau rằng, chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm, cộng thêm đó là sự phát triển của nền kinh tế thị trường, con người ta lại coi giáo dục như một mặt hàng đã được thương mại hóa, xét về khía cạnh nào đó, chúng ta dễ hiểu và thông cảm cho lối suy nghĩ này, tuy nhiên điều đáng nói, chúng ta dần dà đánh mất đi những truyền thống tôn sư trọng đạo hay qua sông phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.
Về phía mình, tôi cho rằng lối suy nghĩ này thực sự quá thiển cận, tôi và anh, đều là sản phẩm của nền giáo dục nước nhà thời kỳ đổi mới, đều là sản phẩm của những con chữ đã được thầy cô đặt hết tâm mình vào đó để truyền đạt, và đặc biệt, chúng tôi đều cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô dành cho những cô cậu học trò bộc phát, giống như cây tre cây trúc, chúng tôi được thầy cô uốn nắn để trở nên những sản phẩm có ích cho đời và dùng chính năng lực của mình, để giúp đỡ bản thân mình, gia đình mình trước hết.
Một lần qua nhà cô chơi, tôi vô tình được cô tặng cho một cuốn sách, mãi sau này tôi mới biết, cuốn sách đó là do cô tận tay cẩn thận lựa chọn cho tôi chứ không có sự tình cờ nào cả, cô đã đi tìm mượn cuốn sách đó ở thư viện trường nhưng không có, rồi cô phải tìm mua từ mấy nhà sách. Nhờ cuốn sách của cô, mà tôi đạt giải nhất trong cuộc thi hùng biện “Sách trong tôi”. Và cũng chính hôm đó tôi mới nhận ra, để có những ví dụ sinh động trên lớp cho học trò, cô đã thu gom các tạp chí cũ và cắt ra những mẫu bài viết trong đó, rồi cũng để cho bài giảng trở nên thật hấp dẫn và hay ho, cô phải ngồi tới tận khuya ở bàn làm việc để soạn giáo án. Đúng rồi, chẳng có cái gì là tự nhiên mà có, vì học trò thân yêu cũng chính là những đứa con tinh thần của cô, mà cô đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết để truyền đạt kiến thức và mong muốn của mình.
Cô từng bảo, cô không sợ phải tốn công sức và thời gian cho chúng tôi, cô chỉ sợ những gì cô làm cho chúng tôi là chưa đủ để có thể giúp chúng tôi trưởng thành, vì thành công lớn của cô là thấy chúng tôi có thể đứng vững trên đôi chân của mình, chứ không phải chỉ là những tờ giấy khen hay món quà mà chúng tôi dành cho cô, cô cũng bảo, nếu chúng tôi thật sự nhớ đến cô, hãy trở nên vững vàng, kiên định và trở thành người tốt – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – vì khi đó chúng tôi có thể tự hào kể về cô đã từng, cũng như cô có thể tự hào kể về chúng tôi cho các lớp học sinh sau này.
Vậy đó, thầy cô, như những người cha người mẹ thứ hai của mỗi thế hệ học sinh, cũng là người lái đó, đưa từng thế hệ học sinh sang sông bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến, bằng kiến thức, bằng kinh nghiệm và bằng công sức, thời gian của thầy cô. Thầy cô luôn dõi theo mỗi thế hệ học sinh và mong mỏi cho những cô cậu học trò ngày hôm nay sẽ thành công trong mai sau, trở nên vững vàng trên đường đời phía trước. Nhân ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, là một sản phẩm của nền giáo dục tình yêu thương, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới quý thầy cô, những người đã-đang-và-sẽ tiếp tục sứ mệnh viết nên những tươi lai tươi sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam, và tự hứa với bản thân rằng, sẽ cố gắng hết sức mình để một ngày không xa, tôi có thể kể về các thầy cô bằng một niềm tự hào nhất và thầy cô cũng sẽ mỉn cười khi kể về tôi.

Bài viết nằm trong chuỗi bài viết chào mừng ngày Hiến chương nhà giáo Việt nam, tuy nhiên tới hôm nay mình mới có cơ hội để đăng tải và chia sẻ lên blog của chính mình.

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận