Review sách: Bài giảng cuối cùng

Tác giả: Randy Pausch

Bài giảng cuối cùng – The last lecture – là tên của một chương trình do giáo sư Randy Pausch trường Đại học danh giá Carnegie Mellon thuyết trình, lúc đó ông đang bị ung thư gan giai đoạn cuối. Sau này nó được Jeffrey Zaslow – cây bút tài tình của tạp chí Wall Street Journal biên tập thành sách, gồm 53 bài giảng – đó chính là những bài giảng cuối cùng trong sự nghiệp giáo dục của Randy.

Tags: , , , ,

Với tay lấy một cuốn sách trong một mớ sách còn mới tinh, nó đã nằm trên giá sách từ lâu, nhưng chưa được ai đọc qua nó, ngay cả chủ nhân của nó (không phải mình). Lướt qua một vài trang sách, thấy có vẻ như đây sẽ là một cuốn sách khá thú vị để khám phá thêm, vậy là mình quyết định… lại bắt đầu đọc sách.

Suốt hơn nửa năm qua, mình hiếm khi nào đọc sách, nếu các bạn muốn biết tại sao thì đọc bài Year in review 2019 của mình.  Bây giờ, mình đang cố gắng lấy lại phong độ, tiếp tục đọc sách, tích lũy kiến thức và hơn hết… đó chính là giúp cuộc sống mình có thêm nhiều màu sắc hơn, cảm thấy thoải mái hơn, ý nghĩa hơn.

Điểm qua một chút về cuốn sách này, đó là một cái tên khá ấn tượng với mình – một người theo “chủ nghĩa giáo dục”. Trang bìa, giấy in sách và mực in thực sự rất tuyệt vời, chỉ cần lật vài trang sách bạn sẽ nhận ra rằng đây là một cuốn sách tốt, một cuốn sách giá trị theo đúng nghĩa đen của nó.

Đi thêm vào nội dung, bài giảng cuối cùng là tên của một chương trình do giáo sư Randy Pausch trường Đại học danh giá Carnegie Mellon thuyết trình (mình không có thông tin về việc có phải ông là người khởi xướng ra mô-típ (motif) chương trình này hay không. Theo như những gì ghi trên bìa sau cuốn sách và trên website chính thức – thelastlecture.com thì dường như Bài giảng cuối cùng của Randy là một trong những bài giảng cuối cùng đã được khởi xướng trước đó, nhưng bài giảng của Randy thực sự đặc biệt và để lại ấn tượng tới mức được mô tả là one-of-a-kind last lecture that made the world stop and pay attention), lúc đó ông đang trong tình trạng bị ung thư gan giai đoạn cuối. Sau này, nó được Jeffrey Zaslow – cây bút tài tình của tạp chí Wall Street Journal biên tập thành sách, gồm 53 bài giảng – đó chính là những bài giảng cuối cùng trong sự nghiệp giáo dục của Randy.

Sau khi biết mình mắc chứng bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, thay vì sợ sệt, hoang mang hay suy sụp, ông đã bình tĩnh để chuẩn bị cho việc ra đi của mình. Bắt đầu từ việc chuyển nhà về Virginia để vợ và con có thể sống gần gia đình bên ngoại – sẽ là một điểm tựa tốt – khi ông ra đi. Là một giáo sư khoa học, ông cũng đã tự giúp chính mình bằng cách tìm hiểu về căn bệnh, tự tìm các biện pháp khoa học để chữa bệnh, và ông có niềm tin rằng, ông sẽ nằm trong số 4% nhỏ nhoi là người có thể sống thêm 5-10 năm nữa với căn bệnh quái ác này. Ông muốn mình có thể sống thêm nhiều hơn, để có thể bên cạnh 3 đứa con nhỏ của mình, để xem chúng lớn khôn. Nhưng ông vẫn biết rằng, điều đó thực sự là một phép màu, vậy nên ông càng khao khát mãnh liệt được thực hiện Bài giảng cuối cùng, để xem như đó là một di sản mà ông có thể để lại cho những đứa con của mình (để lại một di sản – chính là bài học quan trọng trong Ba người thầy vĩ đại – và giáo sư Randy đã để lại cho con ông cũng như thế hệ tương lai không chỉ một mà là ba di sản hoặc nhiều hơn thế, bao gồm: Bài giảng cuối cùng, phần mềm học lập trình AliceEntertainment Technology Center of CMU).

Xuyên suốt nội dung cuốn sách là 53 câu chuyện, 53 bài học của Giáo sư ngành Khoa học Máy tính và thực tế ảo Randy Pausch. Như một cuốn băng ghi hình tua nhanh, ông kể lại về những mơ ước tuổi thơ cho đến những ngày cuối cùng chống chọi với căn bệnh ung thư. Ông thúc đẩy mọi người về niềm tin với ước mơ, về sự thành công, về niềm hạnh phúc và về cả trí thức. Ông nói về sự nghiệp giáo dục – là một sự nghiệp cao cả giúp đỡ những người khác thành công, để chính mình thành công – giáo dục không chỉ là giáo dục trên trường lớp, mà còn là sự nghiệp giáo dục cả đời.

Mình thực sự bị ấn tượng mạnh với từng câu chữ trong cuốn sách, có thể bởi vì mình có cùng niềm tin với Giáo sư Randy về khoa học, về máy tính và về công nghệ – như mình đã nói ở trên, mình là một người theo chủ nghĩa giáo dục, chủ nghĩa khoa học. Nhưng các bạn cứ yên tâm, xuyên suốt gần 300 trang sách, tác giả không hề đề cập đến khoa học, lập trình hay thứ gì đó lớn lao, chỉ là những bài học rất rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày và nó thuyết phục.

Nếu bạn đang lạc lối về việc có nên theo đuổi ước mơ và đam mê của mình, cuốn sách sẽ giúp bạn trả lời một phần nào. Bên cạnh đó, cuốn sách sẽ giúp bạn có một cái nhìn khác đi, tươi đẹp hơn cho dù cuộc sống của bạn có rơi vào bế tắc hay gian nan. Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó, đó là một câu nói nổi tiếng của GS. Randy trong bài giảng cuối cùng. Cuốn sách cũng sẽ là một đòn bẩy giúp bạn khao khát hơn về việc để lại một di sản, khao khát hơn về sự thành công. Nếu bạn đang muốn tìm cảm hứng đọc sách, cuốn sách này là một lựa chọn để bắt đầu không hề tồi, nó sẽ khơi gợi về mong muốn học tập suốt đời.

Mình sẽ không review chi tiết về nội dung sách, mình chỉ muốn nói với các bạn rằng, đây là một cuốn sách thực sự rất rất đáng đọc (à, nó không thuộc thể loại sách self-help nhé).

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

  • Theo đuổi ước mơ và đam mê của chính mình
  • Hãy chuẩn bị tốt cho mọi trường hợp có thể xảy ra
  • Luôn có cái nhìn lạc quan và tốt nhất trong mọi trường hợp
  • Giáo dục (ở đây mình không có ý là giáo dục đại học) là con đường dẫn tới thành công
  • Hãy để lại một di sản

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận