Phát triển sản phẩm: theo đuổi sự hoàn hảo hay vừa đủ dùng?
Tôi gửi bản thảo bài viết mới cho anh kèm lời nhắn, “em thấy không ổn lắm, chính em còn thấy tệ thì làm sao người đọc thấy hay được”. Một lát sau anh gửi lại bản chỉnh sửa, với một vài gạch đầu dòng, và bố cục lại bài viết cho tôi, kèm lời nhắn “anh thấy em viết hay lắm ý, chỉ cần em sửa lại cấu trúc bài cho nó ra dáng một bài blog nữa là quá ổn rồi”.
Thầm nghĩ, có phải do mình là dân văn, nên yêu cầu của mình đối với một bài viết quá cao?
Có lần tôi nghe anh và anh trai tôi nói chuyện, anh trai tôi bảo “Tao với mày dở cái là cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi, rồi nghĩ rằng ai cũng giỏi cái này cái kia như mình, thành ra không dám làm. Ngoài kia, bọn chúng không biết gì, nhưng tụi nó dám làm.” Tôi không biết việc mà “tụi nó” làm trong câu của anh trai tôi là đúng hay sai, nhưng ngẫm về khía cạnh dám làm, thì hẳn có vẻ đúng với trường hợp của tôi. Tôi thậm chí không dám đăng một bài viết mà mình đọc còn thấy chưa ổn.
Anh kiên nhẫn giải thích cho tôi – một cô sinh viên ngành luật năm hai, dù đã học qua kinh tế vi mô lẫn kinh tế vĩ mô nhưng chẳng có chút hứng thú gì với mấy cuốn sách kinh tế hay đại loại là khái niệm kinh tế – rằng viết cũng như việc phát triển một sản phẩm mới, thường thì sẽ có hai trường phái.
Theo đuổi sự hoàn hảo
Theo Tiểu sử Steve Jobs, thì ông là một con người bị ám ảnh về sự hoàn hảo của sản phẩm, ông theo đuổi nó như một sứ mệnh tại Apple và các công ty do ông sáng lập. Sự ám ảnh đó có thậm chí xung đột với khả năng công nghệ – đó là sản phẩm iPhone 4 bị lỗi sóng khi ông đã yêu cầu đội ngũ kỹ thuật cắt bỏ ăng ten ở phần trên của máy để nó trông hoàn hảo hơn. Hay tệ hơn, ông đã thẳng thừng từ chối sự trợ giúp của mặt nạ trợ thở trong những năm cuối đời chống chọi với căn bệnh ung thư, vì cho rằng nó quá xấu để sử dụng.
Steve Jobs bị ám ảnh về sự hoàn hảo tới độ cho dù những chi tiết nằm bên trong sản phẩm mà người dùng không bao giờ thấy nó (hoặc cũng không muốn trông thấy chúng – vì họ chỉ trông thấy khi họ mang sản phẩm đi sửa) cũng phải hoàn hảo. Đó là sự sắp xếp của các linh kiện lên bo mạch – tôi cũng chẳng hình dung được nó là gì và như thế nào – anh tìm cho tôi xem một vài hình ảnh về bo mạch nói chung, đại loại nó là một mớ hỗn độn, lộn xộn, nhỏ xíu xiu, chẳng biết người ta làm nó như thế nào nhỉ… và hình ảnh về bo mạch của chiếc macbook, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, trông cũng khá đẹp đẽ ấy chứ.
Ông đã theo đuổi triết lý hoàn hảo này cho tất cả các sản phẩm mà ông giới thiệu, các công ty mà ông sáng lập. Và hầu hết trong số chúng đều thành công, à không chỉ dừng lại ở thành công, mà nó thậm chí còn tái đã định nghĩa những nền công nghiệp khi ông nhúng tay vào.
Ông cũng là người đã sáng tạo ra font chữ, cái thứ mà ngày nay quá đỗi quen thuộc với chúng ta khi dùng các trình soạn thảo văn bản như Word hay Docs, nó làm cho văn bản khô khan trở nên đẹp hơn, dễ đọc hơn và thú vị hơn. Nhưng nếu quay lại thời gian trước khi Steve Jobs tạo ra nó, mọi thiết bị điện tử đều hiển thị chữ dưới dạng từng ô pixel to đùng, giống như màn hình Command trên Windows – có thể hiểu như vậy cho đơn giản.
Tôi đồ rằng, nhiều người sẽ nghĩ ông đã may mắn khi theo đuổi sự hoàn hảo của sản phẩm, và cũng vừa khéo nó cũng là cái mà thị trường cần. Nhưng hẳn là chẳng có sự may mắn nào ở đây cả. Nếu may mắn, thì liệu cần bao nhiêu cho đủ?
Có chăng, khi phát triển một sản phẩm mới nói riêng và khi startup nói chung, theo đuổi sự hoàn hảo của sản phẩm là chìa khóa để thành công??!!
Vừa đủ dùng
Không hẳn là vậy, anh nói tiếp về trường phái thứ hai, anh gọi nó là “vừa đủ dùng”.
Nghiên cứu thị trường
Không giống như Apple, họ làm một sản phẩm hoàn hảo nhất cho toàn bộ người dùng trên thế giới này, vẫn còn đó những doanh nghiệp lớn, mặc đã thực sự thành công với sản phẩm của họ tại quê nhà hoặc một số nước nhất định, nhưng trước khi bước chân vào một thị trường mới, họ luôn luôn thực hiện lại bước nghiên cứu thị trường, để tung ra các sản phẩm phù hợp, vừa đủ dùng với khách hàng địa phương.
Đơn cử như Starbucks, dù sản phẩm của họ là toàn cầu, nhưng thị hiếu người dùng Việt Nam khác, nên họ không giới hạn thời gian sử dụng wifi (một dạng sản phẩm dịch vụ), họ thậm chí còn ra mắt món mới – Dolce Misto – lấy cảm hứng từ cà phê sữa đá truyền thống, dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Hay như một người bạn của anh kể, một hãng đồ điện tử tiêu dùng S., khi làm cùng một sản phẩm để xuất khẩu đi thị trường châu Âu, thì chất lượng luôn đảm bảo ở mức tuyệt đối; nhưng với thị trường châu Phi, thì họ đưa mức chất lượng về dưới chuẩn. Vì sau khi nghiên cứu thị trường, họ kết luận rằng, với thị trường châu Phi, giá cả mới thực sự quan trọng, không cần quá chú tâm vào một sản phẩm thực sự hoàn hảo, vừa đủ dùng là được.
Quay trở lại với Apple, có thể ngày nay chúng ta nghe nói rằng Apple có đội ngũ nghiên cứu thị trường vô cùng hùng hậu. Nhưng ngay từ những ngày đầu sáng lập Apple, Steve Jobs chỉ đơn giản cho rằng, một chiếc máy tính (hồi đó không phải là máy tính cá nhân) thì rất khó để có thể làm ra, trong khi bạn ông có khả năng làm ra nó hoàn hảo hơn các sản phẩm ngoài thị trường, cho nên ông sẽ thương mại hóa nó.
Hay lần đầu tiên ông giới thiệu chiếc iPhone ra công chúng, ông bảo rằng “tôi sẽ giới thiệu với các bạn 3 sản phẩm: máy nghe nhạc, thiết bị truy cập internet và một chiếc điện thoại, nhưng chúng sẽ gói gọn trong một sản phẩm – iPhone”. Lúc bấy giờ, sản phẩm tương tự như iPhone là không hề có ngoài thị trường để có thể đánh giá hay nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, cũng như vị CEO nào đó đã nhận xét “thật tệ hại khi mà một chiếc điện thoại chỉ có duy nhất một nút bấm” – xu hướng thị trường ngày đó là điện thoại phải có bàn phím qwerty. Nhưng bằng tất cả sự khao khát mãnh liệt về một chiếc điện thoại hoàn hảo, ông đã làm thay đổi ngành công nghiệp điện thoại thông minh khi giới thiệu iPhone.
Giả sử, nếu thất bại, có chăng câu nói của vị CEO trên đã trở nên tiên nhiệm, hay “sai lầm của Apple khi đã nhồi nhét quá nhiều chức năng vào trong một chiếc điện thoại”??!! Tương tự là “Cái người ta cần ở một chiếc máy tính cá nhân là sức mạnh và hiệu quả chứ không phải là mỏng và đẹp như Macbook Air”??!!
Vậy nghiên cứu thị trường có phải là chìa khóa để thành công khi phát triển một sản phẩm mới?
Ném đá dò đường
Trước tiên, không phải khi nào, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để thực hiện một nghiên cứu thị trường chỉn chu. Phần lớn, họ buộc phải ném đá dò đường, họ tung ra rất nhiều sản phẩm, đón nhận phản hồi của khách hàng, rồi lựa chọn ra được một sản phẩm trông có vẻ ổn nhất để tiếp tục, hoặc cũng có thể sẽ không có sản phẩm nào cả, buộc phải dừng lại.
Anh kể, trong dự án “khởi nghiệp” nho nhỏ của anh và nhóm bạn, làm về xe bán café “take away” kiểu mới, nhóm của anh đã đầu tư rất chỉn chu, tỉ mỹ cho sản phẩm. Sử dụng vật liệu tốt nhất, thiết kế đẹp nhất dù rằng nó rất khó để gia công, màu sắc cũng chọn theo những nghiên cứu về ảnh hưởng của màu sắc trong marketing… nhưng sản phẩm của nhóm anh đã hoàn toàn thất bại.
Sau khi thất bại, anh và nhóm mới nhận ra rằng “đối với xe bán café mang đi, họ chỉ cần một cái xe tiện dụng và rẻ, tầm 2 triệu đổ lại thôi là đủ dùng rồi”, trong khi đó, nhóm của anh đã làm ra một chiếc xe bán café như một sản để phẩm phô diễn công nghệ gia công cơ khí, mỹ thuật, với mức giá gần 40 triệu đồng!!
Đôi khi chúng ta cố làm ra một sản phẩm hoàn hảo, tốn nhiều thời gian và công sức mà quên rằng cái thị trường cần chưa thực sự là cái đó.
N.P. Liên
Hay trong nhóm bạn làm ăn của anh trai tôi, có một ông anh làm về mảng thủ công mỹ nghệ, lần đầu tiên gặp, ổng tự hào giới thiệu với tôi về màu sắc của những món đồ ổng làm, đây là trường phái tân cổ điển, màu sắc đại diện cho…. tôi thành thực không nhớ nỗi, phần là vì ổng quá thao thao bất tuyệt về sản phẩm mà ổng tâm đắc, phần vì tôi chẳng có miếng kiến thức nào về hội họa trong đầu. Bẵng đi một thời gian, độ một năm sau, tôi gặp lại ổng với một diện mạo mới, ổng đầu tư hẳn một cái xưởng to hơn, thuê một vài nhân viên lao động phổ thông, họ đang vẽ màu cho sản phẩm – nhưng là một cái màu không hề giống với niềm tự hào trước đó của ổng. Qua trò chuyện, ổng mới bảo là “Nếu trước đây anh tự lên màu, một ngày được đâu đó tầm dưới 10 sản phẩm, bây giờ tuyển người vào, anh dạy cho họ 1-2 tháng đầu, sau đó, một ngày mỗi người mang lại cho anh hơn 30 sản phẩm hoàn thiện. Trước đây anh tập trung vào nghệ thuật quá, anh cứ muốn sản phẩm của anh phải là đẹp nhất, đỉnh nhất, xịn nhất… và 3 năm ròng rã, anh vẫn lúi cúi trong cái xưởng 10 mét vuông – xưởng không ra xưởng. Giờ anh mới hiểu, thị trường hiện tại đang chấp nhận sản phẩm ở mức này, họ không đòi hỏi độ “phê” về nghệ thuật như chính anh, anh cũng chấp nhận một sản phẩm vừa đủ dùng thôi, đổi lại anh có một cái xưởng to hơn, doanh thu ổn hơn và dễ thở hơn nhiều”.
Việc ném đá dò đường như vậy, sẽ khiến chúng ta tốn thời gian hơn, dễ thất bại hơn, thậm chí xét về lâu về dài, nó lại tốn kém hơn – nghe có vẻ hơi trái ngược nhỉ? Vì như lúc đầu anh nói thường khi chúng ta không đủ nguồn lực chúng ta mới phải ném đá dò đường – nhưng thực ra nó lại hoàn toàn đúng, vì có tới 92% startup thất bại trong vòng 3 năm đầu. 92% sản phẩm được tạo ra là vô dụng, quả là một con số quá sức lãng phí và tốn kém.
Vậy, đâu mới là lựa chọn phù hợp?
Tôi – một cô gái chuyên ban Xã hội, theo học ngành Luật – không dám lạm bàn, cũng sẽ không đánh giá đâu là kim chỉ nam, đâu là lựa chọn tốt nhất khi chúng ta phát triển một sản phẩm mới hay startup một cái gì đó.
Tôi chỉ viết bài này để xoay quanh cái vấn đề của tôi được đề cập trong đoạn mở đầu, rõ ràng tôi viết blog này, theo như mục đích ban đầu trong bài giới thiệu đã nói, chỉ là để có cái để làm, để tôi dũa bản thân, để có thể làm những gì mình thích. Với cái vị thế đó, tất nhiên tôi có quyền đòi hỏi và theo đuổi sự hoàn hảo trong sản phẩm của chính mình.
Còn đối với các bạn, tôi cho rằng, nó tùy thuộc vào vị thế – đó là tiềm lực, đó là khả năng, đó là mức độ chịu đựng – của các bạn để từ đó giúp các bạn chọn ra được một phương pháp phù hợp nhất – và chắc chắn nó sẽ là phương pháp hiệu quả nhất, chí ít, là ngay tại thời điểm đó.
Viết tới đây, tự nhiên nhớ ra có một câu nghe có vẻ tương tự mà các content creator về chủ đề tình yêu thường khai thác, “chọn người hoàn hảo nhất hay phù hợp nhất”.
Bình luận