Review sách: Nền kinh tế tăng trưởng và sụp đổ như thế nào?

Tác giả: Peter D. Schiff, Andrew D. Schiff

Hàng ngày, tất cả chúng ta đều tham gia vào các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, với đa số, kinh tế học dường như vẫn là điều gì đó khó hiểu, trừu tượng, một lĩnh vực mà chỉ các “chuyên gia” mới biết và dám bàn đến mà thôi. Chính vì lẽ đó, trong những năm gần đây nhiều học giả kinh tế nước ngoài đã bắt đầu biên soạn những cuốn sách đơn giản.

Tags: , ,

Tác giả là hai anh em trong một gia đình. Cuốn sách được hai anh em phát triển, viết lại cộng với tranh minh họa cho sinh động, từ một cuốn sách cùng tên của người bố Irwin A. Schiff (How an Economy Grows and Why It Doesn’t).

Cuốn sách được viết theo thể loại kinh tế học trường phái tự do, theo đuổi trường phái Áo với quan điểm “Chi tiêu ít hơn những gì bạn kiếm được chính là chìa khóa cho sự giàu có”. Cuốn sách chỉ trích không thương một trường phái kinh tế ở phía ngược lại là trường phái kinh tế Keynes với quan điểm “chi tiêu mạnh tay là chìa khóa của sự phát triển kinh tế, giúp thoát khỏi khủng hoảng”

Update 28/07/2023: nếu nhìn vào những gì được truyền thông về những vấn đề đang xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế hậu covid, chúng ta sẽ thấy rằng nguồn cơn có lẽ đến từ việc thiếu thanh khoản, có nghĩa là dòng tiền không thể lưu thông, không có chi tiêu tiêu dùng. Có chăng trường phái kinh tế Keynes đã đúng?
Hay sự thật phía sau là gì? Có chăng tiêu dùng cá nhân trong suốt thời gian trước đó đã quá mạnh tay? Người dân không còn tiền tiết kiệm, thậm chí là âm cả hạn mức tín dụng?
Mình không dám lạm bàn, nhưng cuốn sách chí ít sẽ cho chúng ta thấy được một góc nhìn khác về cách nền kinh tế vận hành theo một cách đơn giản nhất.

Tôi có cơ duyên đến với cuốn sách này qua lời giới thiệu từ một người bạn gần bạn cấp 3 😀 Trong suốt thời gian qua công việc mới, quá nhàn rỗi nên anh bạn ấy đã tìm tới sách để đốt thời gian. Thật không may, cuốn sách này hiện không còn xuất bản (sau khi tìm kiếm trên một số trang bán sách online), tôi đã quyết định đọc bằng Ebook (tuy nhiên bây giờ đã có tái bản, bạn có thể click mua từ link ở đây). Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc sách bằng Ebook, một thứ mà trước đó tôi từng cho rằng nó thật sự khủng khiếp (vấn đề giữa tôi với việc đọc sách, còn có một chuyện mà trước đó tôi còn cho rằng sách khủng khiếp khôn lường, đó là sách chi chít toàn chữ với chữ, không hề có hình ảnh hay tranh minh họa, cho đến dạo 5 năm trở lại đây, tôi đã bắt đầu tập đọc sách). Ebook tôi đọc được tải từ trang không chính thống, tôi vẫn hiểu sách ở đây là không có bản quyền (đọc free cơ mà), nhưng có lẽ tôi sẽ cố gắng làm việc khác để chuộc lại lỗi lầm của mình 🙂 cơ mà suy cho cùng thì trong số các lỗi lầm, lỗi lầm cho mục đích học hỏi lại dễ dàng được thông cảm và bỏ qua nhất.

Kinh tế học “hài hước”

Quay trở lại với nội dung cuốn sách “Nền kinh tế tăng trưởng và sụp đổ như thế nào“, cuốn sách viết khá đơn giản để giúp cho một kẻ không chuyên có thể hiểu một cách đơn giản nhất về nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế hiện tại, cũng như một số khái niệm kinh tế cũng chỉ ở mức cơ bản nhất. Mình không phải dân kinh tế nên mình không chắc là nó có phù hợp hay không với các bạn là dân kinh tế, còn với các bạn dân không chuyên, thì cuốn sách khá hay và thú vị đấy, nó sẽ mở ra nhiều điều mới mẻ mà bạn không nhận ra nó, ngay cả khi bạn thực hiện nó hằng ngày.

Cuốn sách được viết dựa trên một câu chuyện bắt đầu từ 3 người đầu tiên trên một hòn đảo nhỏ, bắt đầu từ nền kinh tế săn bắt bằng tay cho đến khi các công cụ thô sơ được áp dụng vào, rồi từ từ những cổ máy xuất hiện, cho đến khi tiền ra đời, nền kinh tế phát triển trở nên thịnh vượng, ngành dịch vụ (là ngành không gia tăng giá trị thặng dư) dần dần thay thế các ngành nghề sản xuất (là ngành trực tiếp làm tăng giá trị thặng dư) trên hòn đảo Usonia – chính là đại diện cho đất nước Mỹ ngày nay. Bên cạnh Usonia còn có một vài hòn đảo khác, nổi bật là hòn đảo Sinopia đại diện cho các đất nước sản xuất khác như Trung Quốc hay Nhật Bản…

Tuyệt đỉnh hài hước??!!  – mình đọc được nhận xét như vậy ngay từ những trang đầu của cuốn sách. Ban đầu mình hy vọng rằng nó sẽ là những mẩu chuyện hài hước có ý nghĩa như cuốn Trên Đường Băng của tác giả Tony Buổi Sáng. Nhưng thực sự thì mình chưa tìm được chi tiết hài hước nào suốt chiều dài cuốn sách. Tuy nhiên, có thể xem cuốn sách như một câu chuyện ngụ ngôn thì có phần nào chính xác. Bằng cách kể chuyện, tác giả sẽ đưa chúng ta qua từng trang sách kinh tế mà không hề khô khan, khó hiểu hay cũng không hề có các biểu đồ, chỉ số thường thấy khi chúng ta nhắc tới sách kinh tế. Cuối mỗi chương của câu chuyện, tác giả lại đưa ra lời bàn hay bài học rồi liên tưởng với thực tế kinh tế nước Mỹ để cho chúng ta thấy một góc nhìn thật hơn, rõ ràng hơn, không còn trong thế giới truyện ngụ ngôn nữa.

Giải quyết những vấn đề, hiện tượng, sự kiện kinh tế

Xuyên suốt nội dung cuốn sách, tác giả sẽ đề cập tới những yếu tố thúc đẩy quá trình kinh tế phát triển đi lên. Trong đó tiết kiệm và đầu tư cho công cụ gia tăng năng suất lao động là những yếu tố then chốt. Suy thoái kinh tế cũng là một phần tất yếu phải có trong nền kinh tế thị trường, và thậm chí nó còn tốt cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên điều tác giả muốn chỉ trích đó chính là cách xử lý khủng hoảng kinh tế của các chính trị gia, FED và các nhà làm kinh tế khác theo trường phái Keynes… mà theo tác giả rằng cách xử lý của các vị này chỉ là che mắt người dân về khủng hoảng, sẽ khiến cho bong bóng khủng hoảng ngày càng to, và nó sẽ to tới một mức mà nổ tung tất cả…. thậm chí đưa một quốc gia hùng mạnh như Hoa kỳ về bờ vực phá sản như Zimbabwe hay Venezuela đang mắc phải.

Để lý giải cho nền kinh tế hiện tại của Mỹ (nền kinh tế đứng đầu thế giới) là «tạm bợ», tác giả đưa ra luận điểm rằng, lá át chủ bài hay điểm then chốt của nền kinh tế Mỹ hiện tại chính là nhờ vào việc đồng Dollar Mỹ, đồng tiền được dùng làm đồng tiền chung của thế giới, được lưu hành rộng rãi, được mọi quốc gia chấp nhận… và đa phần tiền của người nước ngoài (ngoài nước Mỹ) dưới dạng USD thì lại được gửi tại ngân hàng của Mỹ với một mức lãi suất cực thấp (theo tác giả thì việc FED cố tình quy định mức lãi suất thấp như vậy là để thể hiện các các ông nghị thấy rằng nên kinh tế Mỹ đang rất khỏe mạnh).

Giải thích thêm: Kết quả của việc tốt đẹp này là nhờ vào hệ thống Bretton Woods, khi đó, Mỹ đã neo tỷ giá vàng / USD, và cam kết với các nước thành viên rằng họ có thể mang USD tới Mỹ để đổi lấy vàng bất cứ khi nào. Ra đời năm 1944, nó giúp đồng Dollar Mỹ có một vị trí thuận lợi trên trường Quốc tế, tạo điều kiện cho người Mỹ, kể cả chính phủ Mỹ, có tiền tiêu thoải mái, chi tiêu trên mức kiếm được – thậm chí tác giả ẩn dụ cho rằng nước Mỹ đang xài chùa trên công sức của các nước khác – nhưng nó nhanh chóng sụp đổ khi mà vật giá leo thang (lạm phát), cho đến năm 1971, tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã phải tuyên bố rút hẳn khỏi hệ thống Bretton Woods, tránh việc các nước ồ ạt kéo tới Mỹ đổi USD của những năm 1944 lấy vàng của năm hiện tại mà tỷ giá không đổi, mà theo người viết thì nếu không rút khỏi hệ thống Bretton Woods, có khi vàng của nước Mỹ sẽ bị tuyệt chủng. (Phần này mình không nhớ là đọc được từ đâu, vì mình đã tìm xem lại trong nội dung sách thì không thấy)

Qua cuốn sách này, tác giả còn chỉ ra một quan điểm nực cười của những chính trị gia làm kinh tế theo trường phái Keynes, bên cạnh chi tiêu là chìa khóa của phát triển, thì lạm phát cũng có nghĩa là phát triển. Họ cho rằng việc giá trị một sản phẩm được tăng lên, đó là một điều tốt đẹp (chúng ta có thế thấy giá bán trung bình [ASP] của iPhone tăng dần đều qua từng năm). Trong khi những người theo trường phái Áo lại cho rằng giảm phát mới thực sự là một nền kinh tế phát triển – có lẽ đây là lần đầu tiên mình nghe tới hai chữ «giảm phát», cũng không có gì ngạc nhiên khi mà chúng ta sinh và lớn lên trong một xã hội mà kinh tế luôn lạm phát, chỉ là lạm phát cao hay thấp mà thôi.

Mặc dù cuốn sách viết dựa trên góc nhìn phiến diện của tác giả về nền kinh tế Mỹ và các quốc gia liên quan, nhưng nó cũng có thể suy rộng ra cho tất cả quốc gia, mọi nền kinh tế thị trường trên thế giới, nên bạn cũng đừng quá lo lắng rằng sách chỉ viết cho những người Mỹ mà thôi.

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Cách nói này mình học được từ cuốn sách này.

  • Hãy tiết kiệm ngay khi có thể, tiết kiệm để phòng trường hợp bất trắc xảy ra, tiết kiệm để đầu tư cho kinh doanh (mặc dù suốt cuốn sách mình không thấy tác giả khuyến khích những ngành kinh tế thương mại – không tạo ra giá trị thặng dư – giúp hàng hóa dịch chuyển, là một điểm không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường hiện nay.)
  • Một số khái niệm cơ bản về kinh tế: như giảm phát, lạm phát, tiền, lãi suất, nợ công…
  • Con đường đi của nền kinh tế hiện nay, giúp mình có thể mường tượng liệu rằng điều gì sẽ xảy ra, tác động của chính phủ tới nền kinh tế,…

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận