Cây cam ngọt của tôi: Khi người lớn cô đơn

Tác giả: José Mauro De Vasconcelos

Không giống như những đứa trẻ, chúng có quyền đòi hỏi khi thích, khóc lóc khi khi buồn, làm nũng khi giận hờn. Nhưng hơn ai hết, người lớn – họ cũng luôn khao khát tình yêu thương, khao khát được chia sẻ, khao khát bước ra khỏi sự cô đơn mà chính họ tự cho mình cái quyền để làm như thế!

Tags: , ,

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao thế giới người lớn lại phức tạp đến thế? Những toan tính, đố kị, ganh đua có khiến cuộc sống của họ nhẹ nhàng hơn? Và liệu trong họ có còn một vài khoảng trắng, khoảng trống suy ngẫm về nỗi buồn, về sự cô đơn?

Cây cam ngọt của tôi, một tiểu thuyết của nhà văn José Mauro de Vasconcelos, viết về cuộc sống nghèo khó trong gia đình Zezé tại một thị trấn nhỏ thuộc Brazil, bên cạnh tình cảm gia đình, khát khao hạnh phúc, tình yêu thương từ những câu chuyện tuổi thơ, thì tác phẩm còn cho chúng ta một cái nhìn vừa thân quen, vừa sâu lắng và đầy suy tư về nỗi cơ đơn của người lớn, trong một xã hội bị phân hóa sâu sắc. Đó là thế giới của ông Bồ – Manuel – người bạn già của Zezé.

Ông Bồ Manuel

Tác giả đã khắc họa vô cùng thành công nhân vật người đàn ông Bồ Đào Nha tên Manuel, mà sau này Zezé gọi là ông Bồ (theo cách gọi của những người trong quán Đói Khổ). Nếu bạn chưa biết, thì Brazil vốn là thuộc địa của Bồ Đào Nha cho đến hết thế kỷ 19 nền cộng hòa hợp chúng quốc Brazil mới được thành lập. Tuy nhiên dấu ấn của người Bồ Đào Nha vẫn còn rất lớn trên đất nước Nam Mỹ này, tới tận ngày hôm nay.

Trong tiểu thuyết Cây cam ngọt của tôi, tác giả lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ thuộc Brazil những năm đầu thế kỷ 19. Ông Bồ lúc bấy giờ chính là “ông chủ giàu có” của đất nước này (bạn có thể hình dung tới hình ảnh các ông thầy, ông bác sĩ hay quan viên người Pháp tại đất nước chúng ta suốt thời kỳ Pháp thuộc). Ông ở trong một ngôi nhà sang trọng theo phong cách phương tây, đầy đủ mọi tiện nghi, mọi thứ sạch sẽ và tươm tất, có hoa hồng, có hai con chim – hoàng yến và chim xanh. Tưởng chừng như cả cuộc đời còn lại của ông sẽ mãi sống trong sung túc, đủ đầy và không phải vướng bận thêm một nỗi âu lo nào nữa cả. Nhưng không, với tất cả những gì ông có chưa thể làm thỏa mãn hết được những nhu cầu trong cuộc sống của ông, thứ ông cần hơn hay nói cách khác là cần nhất đó đơn giản chỉ là một người bạn. Căn nhà đó: “nó quá lớn, không hợp để sống một mình”.

Thế đấy, người giàu, thật sự họ cũng cô đơn, à cũng có thể gọi là cô độc, bởi ông Bồ thậm chí còn cô đơn hơn cả những người mặc đồ ngủ, đi dép lê, dép quai hậu trong quán Đói Khổ. Ông không có lấy một người bạn để hàn huyên chia sẻ, ông không có người thân ở xứ này, ông khao khát được trở về quê hương tươi đẹp của ông.

Nếu như nói rằng quãng thời gian đẹp nhất trong tuổi thơ của Zezé chính là lúc cậu kết bạn với ông Bồ – người đã khiến cậu thay đổi rất nhiều, cậu hứa sẽ không nghịch nữa, sẽ không nói bậy nữa và sẽ ngoan hơn – thì chính ông Bồ cũng đã có một quãng thời gian tuyệt vời lúc làm bạn với cậu. Cậu chính là người đã mang lại cho ông một màu sắc tươi mới trong cuộc sống vốn luôn tẻ nhạt một màu. Cậu xây dựng cho ông Bồ một thế giới mới, ở đó không còn những khoảng cách mà xã hội đặt ra, không còn người giàu và người nghèo, không còn trẻ con và người lớn, ở đó chỉ có niềm vui, tình yêu thương, sự cảm thông và thấu hiểu. Và ở đó có hai người bạn thân đích thực với chiếc xe của “họ”.

Hãy nói chuyện khác đi, nếu không ta chẳng biết phải nói gì với cháu

Hơn ai hết, ông Bồ luôn khao khát tình yêu thương, luôn khao khát được chia sẻ, và đồng cảm với mọi người. Có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao một người giàu nhất khu phố, đi trên chiếc xe hơi đẹp nhất thế giới, ăn vận những bộ suit sang trọng nhưng lại luôn ghé vào quán Đói Khổ – một nơi dành cho những người như tên gọi của nó. Nhưng mọi người chỉ dừng lại bằng việc nói với ông một vài câu xã giao. Họ cô lập ông Bồ trong một thế giới riêng.

Chính từ sự khao khát thoát ra khỏi cái bóng cô độc đó, ông đã gặp Zezé – một chàng trai năm tuổi nhưng rất cừ khôi và dũng cảm, rất hiểu chuyện, biết chia sẻ yêu thương. Với cái ngây thơ hồn nhiên của một đứa trẻ, nó làm xóa nhòa đi khoảng cách giữa ông Bồ giàu có và những con người nghèo khổ trong xã hội – một bức tường không ai xây, nhưng nó luôn mọc lên theo khoảng cách giàu nghèo trong xã hội – để làm bạn với ông.

Giống như anh từng kể cho tôi nghe về anh giám đốc Sales của công ty anh, từ một người rất vui vẻ hòa đồng với mọi người, rất “ham vui” và cũng thường xuyên tham gia tám chuyện, ăn uống vặt trong công ty như bao nhân viên văn phòng khác, cho đến khi anh đó được chuyển từ vị trí giám đốc bộ phận lên CEO cho cả công ty. Một khoảng cách vô hình được dựng lên giữa anh đó và mọi người trong công ty. Trong một lần trò chuyện, anh đó đã chia sẻ về sự cô đơn của mình rằng, “anh rất muốn được mọi người xem anh trước kia, từ khi anh lên CEO, chẳng ai hú hí anh tám chuyện nữa, có gì ăn cũng chẳng thèm rủ anh, trong khi anh vẫn vậy, mọi người tự nhiên xa cách anh”. Chúng ta vẫn thường nghĩ mình không có đủ may mắn để được kết bạn với những người giàu có, cái “thứ vớ vẩn” mà chúng ta nghĩ đó vô tình cô lập đi những con người vẫn luôn mong mỏi có một người bạn để chuyện trò, chia sẻ. Chúng ta… ích kỉ đến thế ư?

Hay tôi có nhớ một câu thoại trong phim Em chưa 18, khi Phương trách Linh Đan vì quãng thời gian quen Tony thì Linh Đan đã bơ Phương – một người bạn chơi thân từ nhỏ, nhưng “tại mỗi lần tao mang mày đi chơi chung, người ta cứ mang mày ra làm trò chọc ghẹo” (Để cho bạn chưa xem phim này hiểu, thì Linh Đan vốn là một hot girl của trường, quen Tony cũng là một hot boy, đúng nghĩa Queen and King, đó cũng là lý do tại sao khi một người “bình thường” như Phương đi chơi chung sẽ bị mọi người chọc ghẹo). Vâng, lại là câu chuyện “người ta” – một thế lực vô hình nhưng mang hình ảnh đại diện cho tất thảy mọi quy tắc của cả cái xã hội này. Chính từ những quy tắc vô hình đó, nó đã hình thành nên những bức tường không xây mà tự mọc, nhằm phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc, đó là người giàu thì không thể làm bạn với người nghèo, quan chức thì không thể chia sẻ với công nhân, CEO thì không thể làm bạn với nhân viên, vân vân và mây mây…  là những bức tường như thế, ngày càng được dựng lên. Người nghèo thì cho rằng người giàu không tốt đẹp gì, và họ không thèm chơi với mình đâu; công nhân thì cho rằng quan chức làm gì có tình thương để thấu hiểu họ, nhân viên thì cho rằng CEO thì chơi với CEO thôi, mình đâu có cùng level với người ta đâu mà ngồi chung bàn. Nhưng chúng ta đâu biết, chính họ cũng là những người cô đơn và thực sự mong muốn được làm bạn với chúng ta. Chính họ là nạn nhân của các chuẩn mực vô hình trong xã hội.

Mối quan hệ xã hội trong cuộc sống này, tôi không biết nó có từ bao giờ, nhưng chắc chắn nó đang vận hành như thế, như chính câu chuyện của ông Bồ hay vị CEO công ty mà anh kể. Luôn luôn tồn tại những bức tường vô hình, dù chẳng bên nào xây dựng nó lên, nhưng nó cứ mọc lên theo khoảng cách của sự phân hóa trong xã hội. Câu chuyện về tình bạn bền bỉ giữa một ông chủ doanh nghiệp giàu có với một ông bảo vệ và một ông công chức dường như chỉ thấy trên TikTok?!

Khi người lớn cô đơn

Vậy đó, thế giới của người lớn quá phức tạp, bên cạnh sự hối hả của dòng đời xuôi ngược, họ cũng có những khoảng lặng trong lòng, nhưng họ chọn cô đơn, cô đơn một mình để bước tiếp.

Không giống như những đứa trẻ, chúng có quyền đòi hỏi khi thích, khóc lóc khi khi buồn, làm nũng khi giận hờn. Nhưng hơn ai hết, người lớn – họ cũng luôn khao khát tình yêu thương, khao khát được chia sẻ, khao khát bước ra khỏi sự cô đơn mà chính họ tự cho mình cái quyền để làm như thế! Tôi đồ rằng, người lớn không chỉ cần cho mình một cây cam ngọt như của Zezé, mà cũng cần có những người bạn thân đích thực như Zezé.

Tôi vẫn luôn có niềm tin về một tình bạn “bất thường”. Nó giống như câu chuyện giữa ông Bồ già và cậu bé Zezé 5 tuổi, đó là câu chuyện của nhóm bạn 3 người ở 3 tầng của xã hội: một ông làm Giám đốc, một ông làm Văn phòng và ông kia làm bảo vệ; họ vẫn ngồi nhậu với nhau, tựa vai nhau và kể chuyện đời cho nhau nghe,..

Tôi vẫn thường hay được nhắc nhớ về ý nghĩa của tình bạn, nó xuất phát từ trái tim và đi đến trái tim, chặng đường đó không hề có một chút toan tính, họ đến với nhau đơn giản chỉ vì thấu hiểu và hợp cạ.

Và bạn thử hỏi xem, sẽ thế nào nếu con người sống trên trái đất này không có bạn bè? Đó sẽ là sự tách rời trong xã hội, đó là những mưu cầu cá nhân, đó là khởi nguồn cho sự cô đơn, cho trái tim chỉ sinh ra chỉ để “thở” và ngày qua ngày lại héo khô…

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận