Chuyện học Đăng vào ngày

Hãy cùng tốt lên với những người xung quanh chúng ta

Khi chúng ta là lâu đài, hãy biến những người xung quanh ta thành biệt thự

Tôi bị ám ảnh bởi bức ảnh về “bức tường xẩu hổ” được xây dựng ở Mexico, qua hai bên bức tường, một thành phố xa hoa lộng lẫy, xinh đẹp cho người giàu và một bên là bãi rác, khu nhà ổ chuột dành cho người nghèo. Chính quyền thành phố đã làm điều này, để cái xấu và cái tốt không bị hòa trộn vào nhau, họ muốn bóp ngẹt người nghèo chứ không mảy may suy nghĩ đến việc giúp người nghèo, người yếu thế trở nên tốt hơn.

Xét gần gũi hơn khu bạn sống, trong khi một số gia đình cố gắng giữ gìn từ sân cổng, đường sá, trong nhà và cả trước nhà, sao cho sạch sẽ tươm tất nhất, thì sẽ có một gia đình khác vứt rác chình ình ngay trước cổng của họ, chẳng bao giờ quét dọn ngõ, trông thật khó chịu phải không? Thử hỏi, chúng ta có cần xây những bức tường xấu hổ như Mexico cho họ?

Chấp nhận một xã hội không hoàn hảo…

Vấn đề này thực sự dễ hiểu thôi, vì chúng ta đang sống trong một thế giới thực sự chứ không phải trong một xã hội không tưởng, là một xã hội thực nên nó bị phân hóa sâu sắc về giàu nghèo, về trí thức, có người làm công nhân thì cũng có người làm bác sĩ, có người mang học hàm giáo sư thì cũng sẽ có người chưa học hết phổ thông, đó là chưa kể đến khác biệt về tôn giáo, màu da hay sắc tộc. Cho nên, hành vi ứng xử của mỗi người sẽ không giống nhau được. Và thậm chí, chuẩn mực xã hội của họ cũng khác nhau.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu hành vi ứng xử đó dù là không giống nhau nhưng đó là những hành vi tích cực hoặc chí ít nó không có tác động nào tới chúng ta.

Nếu hàng xóm của bạn hát không hay, nhưng họ không bao giờ mở loa kẹo kéo, bật max volume để hát ngêu ngao “đập vỡ cây đàn giận người đổi trắng thay đen” thì chẳng sao cả. Hay nếu như hàng xóm của bạn là bác sĩ và họ có sự quan tâm đặc biệt lớn tới vấn đề thực phẩm sạch và sức khỏe, sẽ càng tốt chứ sao! Nhưng sẽ như thế nào nếu hàng xóm của bạn rượu chè mỗi tuần một lần nhưng mỗi lần kéo dài tận 7 ngày? Sẽ thế nào nếu hàng xóm của bạn thích văng tục chửi thề?

Người ta nói rằng, mây tầng nào gặp mây tầng đó. Điều này quả không sai, nhưng người ta lại quên nói rằng, dù trong cùng một tầng mây, vẫn có những áng mây trắng nhuộm màu của nắng và cũng có những áng mây đen nặng trĩu hạt mưa. Thậm chí, cũng là những hạt mưa sa xuống từ cùng tầng mây đó, sẽ có những cơn mưa mát lạnh, lại có những cơn mưa acid và còn có cả mưa đá nữa cơ. Vậy nên, nếu như chúng ta không thể tách biệt thành một tầng mây riêng, hãy cố gắng xây dựng tầng mây của mình cùng nhau trở nên tuyệt đẹp.

…để cùng giúp đỡ nhau trở nên hoàn hảo

Tại sao ư? Chắc chắn bạn sẽ có một cuộc sống tích cực hơn hay tự hào hơn khi giới thiệu rằng bạn đang sống trong một khu phố văn hóa, con người ở đây ai ai cũng hiền hòa chất phát, năng lượng tích cực trải từ đầu con phố tới tận cuối ngõ ngách từng nhà. Và khi chúng ta cùng giúp đỡ nhau trở nên hoàn hảo hơn, như Martin Buber từng nói “sống trong tình bằng hữu, mới thực sự là sống”.

Nâng tầm giá trị bản thân

Trong tiểu thuyết kinh điển, giết con chim nhại, có một đoạn nói về việc nhà Ewell muốn chính quyền thị trấn Maycomb dẹp khu người da đen ở cạnh nhà mình, để nhà mình có thể tăng giá và dễ bán hơn. “Tôi đã yêu cầu hạt này suốt mười lăm năm qua là hãy dọn sạch khu dưới đó (ý nói khu người da đen), sống gần chúng rất nguy hiểm ngoài ra còn làm giảm giá trị tài sản của tôi”. Trước tiên, hãy bỏ quan vấn đề phân biệt chủng tộc đi nhé, nhưng điều này hoàn toàn đúng trong bối cảnh nước Mỹ lúc bấy giờ, chẳng người da trắng nào muốn sống gần người da đen được gọi là mọi rợ cả. Cho nên nếu dẹp được khu người da đen ra khỏi khu vực gần nhà mình như Ewell đề nghị, thì môi trường sống sẽ an toàn hơn, ít ra họ nghĩ như vậy, và ngôi nhà mình sẽ trở nên giá trị hơn nhiều.

Điều này được chứng minh ngày càng đúng, khi mà một tài sản bất động sản được định giá ở mức cao, thì nó nhờ một phần lớn từ môi trường xung quanh, bởi giá trị của mỗi chúng ta bằng trung bình cộng giá trị của nội tại và môi trường sống xung quanh chúng ta. Đó là lý do tại sao những căn nhà river view hay lake view khi nào cũng đắt hơn các căn nhà khác trong cùng phân khúc, dù rằng cái river hay lake đó là tài sản chung, chẳng của riêng ai. Nhưng một khi môi trường xung quanh xinh đẹp và tốt hơn, giá trị của chính chúng ta cũng được nâng tầm lên. Do đó, giúp đỡ người khác trở nên tốt đẹp hơn, là một cách để nâng tầm giá trị của chính bản thân chúng ta.

Chúng ta sẽ chẳng thể tốt lên, nếu những người xung quanh chúng ta không phát triển một cách tuyến tính với chúng ta, vì khi đó, giá trị nội tại của chúng ta không còn được đặt đúng chỗ nữa rồi.

Chúng ta sẽ phát huy được sức mạnh khi được đặt đúng chỗ

Tôi còn nhớ câu chuyện “Người mẹ ba lần chuyển nhà” được cô giáo kể trong chương trình môn Ngữ Văn trung học phổ thông, kể về vị thánh nhân của nhân gian tên Mạnh Tử. Nếu như mẹ ông không chuyển nhà lần thứ ba, tới gần một trường học, mà sẽ dừng lại ở lần thứ nhất là ở gần nghĩa trang, có khi ông đã trở thành thầy mo, hay lần thứ hai, ở một khu chợ, có khi ông đã là một tên đồ tể không vang danh thiên sử mấy ngàn năm.

Thật vậy, chúng ta sẽ phát huy được sức mạnh khi được đặt đúng chỗ, vì ở đó chúng ta có những người bạn tốt, những hàng xóm tốt, những con người tràn đầy năng lượng mỗi ngày, còn có những con người mà họ có khả năng nhìn nhận ra năng lực của chính ta. Thật dễ dàng để làm như mẹ của Mạnh Tử, nhưng xã hội ngày nay đã có sự giao thoa nhiều hơn, không dễ để tìm kiếm một môi trường ở đâu hoàn hảo như vậy. Ngay ở chính Sài Gòn hoa lệ, chúng ta có thể đếm được trên đầu ngón tay những nơi như vậy, nó thường được gọi là khu biệt lập, và giá trị của tài sản trong những khu biệt lập như vậy luôn cao hơn rất nhiều các khu lân cận, đó là Vạn Phúc, Phú Mỹ Hưng, Sala, Metropole hay Vinhomes – là những khu có môi trường gần như tách biệt với xã hội bên ngoài, những người được chọn vào đó để xậy một tầng mây riêng. Nhưng trong khi dân số ở Sài Gòn là hơn 10 triệu người. Nên phần lớn chúng ta vẫn đang sống trong những tầng mây giao thoa của nhiều loại mây khác nhau. Vậy nên, thay vì cố gắng tách biệt chúng ta ra khỏi xã hội, hãy như nhà hiền triết vĩ đại Mahatma Gandhi từng nói “Be the change you wish to see in this world – Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”.

Rồi từ chính sự thay đổi đó, xã hội xung quanh bạn sẽ thay đổi, và con người bạn, giá trị của bạn sẽ được đặt đúng chỗ, có thể tự do phát huy mọi khả năng.

Lời kết

Giúp đỡ người khác trở nên tốt hơn, giàu có hơn bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, nghe thì rất dễ nhưng thực sự lại cực khó. Người ta có thể chia sẻ hàng trăm thứ với nhau, thậm chí cho nhau một phần trong tài sản của mình, nhưng để người ta chỉ cho cách làm ăn, cách kiếm tiền thì không hề dễ. Nói dễ hiểu thì, người ta sẵn sàng cho bạn con cá, chứ nhất định không chỉ cho bạn cách câu cá, giống như cách dượng Tony để cập trong phần giới thiệu cuốn sách Trên Đường Băng rằng “không dễ để ai đó chia sẻ, vì bí quyết, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn,… họ thường giữ lại cho riêng mình để kiếm tiền

Chúng ta có thể không đủ mạnh, không đủ lớn lao để nghĩ về một xã hội to lớn, chúng ta có thể bắt đầu từ trong chính gia đình chúng ta – là một phần tử của xã hội – và lan rộng ra những hàng xóm của chúng ta. Bằng cách khi chúng ta trở nên tốt đẹp, hãy giúp đỡ mọi người xung quanh ta cùng trở nên tốt đẹp, thì giá trị của chúng ta sẽ càng cao, xã hội sẽ càng đáng sống. Đừng để bạn là một lâu đài xa hoa lộng lẫy nằm sừng sững trong một khu ổ chuột hoang tàn.

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận