Chuyện học Đăng vào ngày

Gửi các bạn Tân sinh viên: Sinh viên nhàn lắm!

Sinh viên nhàn lắm!

“Sinh viên nhàn lắm!” – đó là một câu nói đúng!

Nếu bạn là tân sinh viên, từng trải qua thời cấp 3 bận rộn, đi học ngày hai buổi, rồi học thêm tất bật, đôi khi một cuộc chơi nhỏ cũng cần phải lên lịch trước ít nhất một tuần. Việc tối ngày sấp mặt bên bộ đề, bên những điểm số, thì bước chân vào cánh cổng đại học, tôi dùng từ “được giải phóng” để diễn tả quãng đường thời sinh viên so với những gì bạn đã trải qua trong suốt những năm trung học phổ thông.

Với sinh viên nói chung và tân sinh viên nói riêng, khi thay đổi môi trường quá đột ngột, khi những việc làm đã quen không được áp dụng, như ôn đề hay ăn cơm đúng bữa, đi ngủ đúng giờ thì rất dễ con người ta sẽ sa ngã nhiều điều. Những cuộc vui được triển khai ngay sau khi bàn tán, thậm chí nó bất chợt nảy ra trong đêm, cuộc sống mới, thành phố lạ, không ai cấm cản, tuổi trẻ với những thú tò mò, chúng ta bước đầu đặt chân vào đời…

Sinh viên mà, nhiều thú vui lắm haha

Mới ở quê lên thành phố, nhiều điều mới mẻ, thú tò mò và thị hiếu của người trẻ, không ít bạn đã không giữ được mình, buông lỏng, chơi nhiều hơn là học và vô tình đánh mất đi những lỗ lực mà họ đã cố gắng suốt 12 năm qua để mới có thể bước chân vào một ngôi trường danh giá mà hàng nghìn người, thậm chí chục nghìn người đã phải bon chen suốt kì thi nhưng chẳng thể vào được.

Hãy trân trọng những gì mình đạt được, bởi chúng ta đã đổ nhiều mồ hôi đến thế cơ mà, chúng ta đã mất ngủ nhiều thế cơ mà,.. và bởi chúng ta đã từng cố gắng như thế! Vậy tại sao, tại sao lại để môi trường mới hủy hoại những thành tựu mà không dễ dàng gì đạt được của bạn như vậy?

Là bởi bạn không có đủ dũng khí để đấu tranh với những điều tiêu cực, nó tiếp cận đến bạn, làm chủ bạn và điều khiển bạn, thế có buồn không chứ?

Sinh viên rất nhàn, tôi không lừa bạn đâu!

Với lịch trình trên giảng đường của tôi, do nhà trường sắp xếp cộng thêm chương trình đào tạo ngày này của hầu hết các trường đại học đều được rút ngắn xuống còn 150 hay thậm chí 120 tín chỉ, thay vì 200 tín chỉ như 8-10 năm trước, trung bình mỗi kì tôi học từ 18-22 tín, vào học kì 2 năm nhất do phải học thêm học phần giáo dục quốc phòng nên mới tới đỉnh 28 tín, mỗi môn chủ yếu từ 2-3 tín, mỗi tín 15 tiết, cứ 5 tiết học một buổi. Suy cho cùng, mỗi tuần tôi chỉ đến trường 4-5 buổi, đợt kịch khung có thể lên đến 6-7 buổi/tuần. Nhàn mà đúng không?

So với việc ngày học hai buổi rồi còn học thêm, luyện đề ở thời cấp ba thì đối với tôi – từng là một tân sinh viên mà nói: “quá nhàn”. Tôi không tham gia câu lạc bộ cũng không làm thêm nên nó càng nhàn hơn nữa, tôi ăn ngủ suốt ngày, tự biến mình thành con robot lúc nào không hay.

Để rồi gần đây tôi mới nhận ra, sinh viên nhàn vậy đều có lí do của nó. Môi trường đại học là bước chuyển mình để những đứa trẻ ngô nghê bước vào đời, tự mình đối diện, chống chọi và tự giải quyết những vấn đề mà bản thân làm phát sinh, chúng cần thời gian để thích nghi và làm chủ cuộc sống riêng, thời gian là cơ hội để mỗi sinh viên làm những điều đó.
Tiếp nữa, sinh viên cần phải trang bị những kĩ năng cần thiết để đáp ứng tốt công việc trong tương lai, mà trên ghế nhà trường dù với lượng kiến thức khổng lồ vẫn không thể đáp ứng tất cả những đòi hỏi của nhà tuyển dụng, nên thời sinh viên, nhàn rỗi là lúc chúng ta tự học hỏi, tự trang bị những kĩ năng để biến bản thân mình trở thành “con mồi” ngon mà các nhà tuyển dụng săn tìm. Bạn có thể đăng ký một khóa học ngắn hạn ở trung tâm hay một khóa học online về chủ đề mà mình tò mò, thích thú.

Chưa kể, khi nói chuyện với những người đang đi làm, mọi người thường đùa rằng: sinh viên – chúng ta có thời gian, chỉ là không có tiền, người đi làm – họ có tiền nhưng lại không có thời gian. Vậy nên chúng ta phải biến thời gian mà chúng ta đang có thành những thứ có ý nghĩa hơn.

Có thể bạn biến nó thành tiền, như cách anh trai tôi đã từng làm, anh tập tành kinh doanh online, anh chạy việc khắp nơi, từ in ấn, may áo đồng phục, miễn là có tiền. Nó sẽ là một kinh nghiệm tuyệt vời nếu bạn muốn sau này làm chủ, tự kinh doanh.

Cũng có thể, hãy biến nó thành những trải nghiệm đáng nhớ. Sinh viên thì cứ chơi theo kiểu sinh viên, đâu cần phải đi máy bay, ở khách sạn đắt tiền hay ăn nhà hàng sang trọng. Một chiếc xe máy đầy xăng, bạn đã có thể khám phá hầu hết các tỉnh lân cận Sài Gòn.

Chính những trải nghiệm mới mẻ này, dù là đọc sách, viết blog, kiếm tiền, học thêm một vài kỹ năng hay khám phá những điều mới, vùng đất mới sẽ xây dựng bạn thành một phiên bản hoàn toàn mới, có thể ngay lúc đó bạn sẽ không nhận ra đâu, nhưng sau này khi nhìn lại, chính những trải nghiệm lúc sinh viên đã định hình hầu hết cuộc đời còn lại của bạn, giống như cách Steve Jobs từng nói là “connecting the dots”.

Bởi thế mà, dù thời cấp ba bạn có này nọ đến mức nào thì lên đại học bạn cũng như bao con người khác mà thôi, xuất phát điểm đều-là-con-số-0 tròn trĩnh. Cấp ba bạn học giỏi cỡ nào nếu lên đại học nếu bạn không giữ được mình, bạn rất dễ đánh mất chính mình của quá khứ.

Có không ít những anh chị, với một thời cấp ba huy hoàng, với các giải thưởng này nọ, nhưng vì lên đại học được tự do và thoải mái, trở nên nghiện game, ham chơi mà đã bị trường đuổi học. Bản thân tôi dù chưa tới mức đó, nhưng cũng là một điển hình. Đôi khi nhìn lại, thời cấp ba mình này nọ lắm chứ, việc học thì không đến nỗi tệ, các hoạt động phong trào thì tham gia cũng khá nhiệt tình, nhưng khi lên đại học, tôi cảm thấy bản thân thật sự rất nhỏ bé, môi trường mới, có nhiều người giỏi hơn mình, năng nổ, hoạt bát và nhanh nhạy hơn mình. Sự lười nhác thêm phần tự ti chẳng biết từ khi nào kéo tôi dần đi xuống, sa vào vũng bùn mà tôi chưa hề nghĩ tới. Bởi thế mà nói, các bạn, đặc biệt là tân sinh viên, thời gian đầu thực sự rất quan trọng, nó quyết định phần lớn bạn là ai ở năm hai, năm ba thậm chí là cả cuộc đời bạn. Nếu bạm bết tận dụng, phát huy những điểm mạnh của mình, bạn chịu khó lặn lội tìm kiếm, linh hoạt và nhạy bén thì bạn sẽ dễ thành công, đạt được những gì bạn muốn cho dù bạn đã từng này nọ ở thời cấp ba hay thậm chí bạn chỉ là “dân thường” trong quá khứ.

Sinh viên nhàn lắm, hãy học nhiều hơn những gì được học

Sách vở, giáo trình chưa phải là tất cả. Tôi nói thế, không đồng nghĩa với việc xem nhẹ việc các bạn học ở sách vở, nhưng những gì sách vở có hay thậm chí là những gì giảng viên dạy, chúng là vốn kiến thức cơ bản, sinh viên nào cũng dễ dàng hấp thụ được, nếu bạn chỉ học ở trong sách vở, bạn giống với số đông các sinh viên, mờ nhạt và không có gì nổi bật. Không có một lí do nào đủ thuyết phục để nhà tuyển dụng chọn bạn thay vì những người đang xếp hàng dài ngoài kia chứ chưa nói đến mơ mộng khởi nghiệp hay làm chủ – một thứ mà đòi hỏi nhiều hơn cả kiến thức, kinh nghiệm lẫn trải nghiệm.

Môi trường đại học, không chỉ dạy cho chúng ta những bài giảng trên giảng đường chật kín người, mà đòi hỏi chúng ta phải tự học và học tập suốt đời như một điều căn cơ, chúng ta phải trải nghiệm nhiều thứ mới, phải tự trang bị cho mình những kĩ năng mới, ngôn ngữ mới để xây nên một bản thân của ưu tú, của giỏi giang, của niềm tự hào cho gia đình và của nhiều người ngưỡng mộ, để rồi sau này, mọi việc sẽ dễ dàng với bạn hơn.

Sinh viên, nhàn đến nỗi, cứ mỗi cuối ngày tôi lại vắt tay lên trán suy nghĩ: ngày mai mình sẽ làm gì tiếp theo?

Không đi làm thêm, nên tìm việc gì đó để làm vào ngày tiếp theo cũng khiến tôi khá đau đầu, đi chơi – chúng ta chưa đủ thân, ra café ngồi – cũng nhanh chán thôi, còn học – tôi lười lắm haha

Thế đấy, tôi nhớ ai đó từng nói: “cách nhanh nhất để hủy hoại một người là để họ nhàn rỗi”, và lúc nhàn rỗi cũng là lúc để chúng ta chứng minh bản lĩnh của mình. Năm nhất – tôi chẳng có thành tựu gì, chính sự nhàn rỗi và lười biếng, tôi đã đánh mất chính bản thân của quá khứ – một tôi chăm chỉ, năng nổ và hoạt bát.

Nhưng, tôi khá may mắn, tôi gặp được một vài người hỗ trợ và cứu vớt cuộc sống tôi, giúp tôi đi lên, ra khỏi vũng lầy của sự lười nhác, bản thân tôi dù sao cũng chưa quá muộn để thay đổi, tôi đã bỏ lỡ một năm nhất, tôi sẽ còn lại ba năm trong quãng đời sinh viên tươi đẹp.

Tôi không hề khuyên bạn là cứ lười nhác rồi kiểu gì cũng sẽ có người đến và giúp bạn đi lên đâu! Bởi tôi không chắc là cuộc đời bạn sẽ may mắn giống như cuộc đời tôi. Tôi sa ngã còn có người đỡ lên, còn bạn, có khi chính bạn phải vật vã tự mình đứng lên ấy chứ! Vậy nên, thay vì đợi quý nhân giúp đỡ, hãy tự lực cánh sinh và đừng để thời sinh viên trôi qua vô nghĩa!

Tuy vậy, tôi vẫn chưa tận dụng hết quỹ thời gian rảnh của thời sinh viên mà tôi có, nhưng ít ra tôi có thể tự tạo việc để làm cho mình, tôi bận rộn hơn chút xíu nhưng tôi vẫn dành thời gian để vui chơi, tân hưởng và khám phá các thứ.

Sinh viên nhàn thật, nhưng đó là cơ hội và cũng chính là thách thức lớn đối với mỗi cô cậu mới lớn.

Nó sẽ là cơ hội, khi các bạn biết tận dụng nó để phát triển bản thân, để vui chơi trải nghiệm nhưng trong phạm vi lành mạnh, ý nghĩa.

Và nó cũng là thách thức khi bạn phải đấu tranh với chính mình để đi theo những điều tích cực, tốt đẹp thay vì ăn chơi sa đọa, bỏ bê việc học và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thời tân sinh viên của tôi chẳng có gì nổi bật cả, nên tôi cũng chẳng có cơ sở nào để khuyên các bạn, buộc các bạn phải học tập và nghe theo, nhưng thật lòng mà nói, tôi chỉ muốn các bạn – những người đọc được bài vết này – đừng chạy theo vết xe đổ của tôi, dù sao thì học cách tránh những sai lầm của người khác vẫn dễ hơn là học cách thành công của người khác, các bạn chưa trải nên chưa thể biết hết, tôi đã từng là bạn của hôm nay và cơ sở của tôi dù không đủ tin cậy lắm nhưng ít ra còn có điều để nhắn nhủ với bạn: chào cậu Tân sinh viên, hãy khiến bản thân trở nên bận rộn!

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận