Sự phụ thuộc của con người hiện đại vào công nghệ
Với tay tắt tiếng chuông báo thức đang reo bên trên đầu giường, tôi lại cuộn mình vào trong chăn và cố gắng nướng thêm ít phút, vừa đúng 5 phút sau, tiếng chuông báo thức lại réo lên, như thường lệ, tôi bật người dậy, bắt đầu một ngày mới với những bài học trên giảng đường, với những bài tập nhóm và với những buổi hẹn cà phê, hay với những công việc mà tôi đang cố gắng mỗi ngày để thay đổi bản thân trở nên một tôi với phiên bản tốt hơn.
Vậy đó, trong cuộc sống hiện đại, hầu như ai trong chúng ta cũng sẽ bắt đầu một ngày mới với một thứ công nghệ nhất, đó là một dãy báo thức được cài đặt sẵn trên chiếc smartphone – một vật bất ly thân – để phòng hờ bản thân có ngủ nướng thêm ít phút, nhưng khi mở mắt thì mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Rồi lại lướt xem lịch hôm nay sẽ phải học gì, có note gì cần làm không.
Phải thừa nhận công nghệ mang đến cho chúng ta sự tiện lợi tuyệt vời mỗi ngày.
Ngày xưa, một cái đồng hồ báo thức chỉ kêu đúng một lần, bỏ lỡ là muộn học như hơi; hay trước đó, thế hệ bố mẹ ông bà tôi, họ làm gì có cái báo thức nào, cũng nhiều lúc tự hỏi, làm sao để họ có thể thức khuya dậy sớm được khi mà không có báo thức nhỉ?
Để nói đến sự tiện lợi mà công nghệ mang lại cho cuộc sống ngày nay, chắc hẳn các bạn không cần một cô gái sinh viên ngành Luật năm hai như tôi chỉ mặt đặt tên ra đâu nhỉ. Nào là email, nào là tin nhắn thay thế cho thư tin hàng tuần mới tới, nào là hai con người ở hai nơi xa tít nhưng lại chui vào trong điện thoại của nhau để nói chuyện với nhau, vân vân và mây mây.
Nhưng trong bài nay, tôi sẽ nói về một khía cạnh khác, rằng chúng ta đã bị trói buộc hay là quá lệ thuộc vào cái sự tiện lợi mà công nghệ mang lại.
Quay trở lại với cái báo thức đầu ngày nhé, có bao giờ bạn gặp tình huống đặt báo thức lúc 6:30 nhưng trước đó khoảng mời lăm hai chục phút, bạn đã đã tỉnh giấc, tuy nhiên rồi bạn sẽ không dậy mà cố gắng ngủ tiếp, ngủ để chờ tiếng chuông báo thức kêu lên, đó mới thật sự là dấu hiệu của một ngày mới bắt đầu. Thật ra, nếu ngay lúc chúng ta vừa tỉnh giấc, chúng ta thức dậy luôn thay vì nằm chờ báo thức, thì cơ thể sẽ cảm thấy thoải mái và khỏe khoắn hơn nhiều, vì khi đó chúng ta vừa kết thúc một chu kỳ giấc ngủ, chính là lúc bản thân cảm thấy tỉnh táo và dễ chịu nhất. Thế nhưng, chúng ta đã quá phụ thuộc vào tiếng chuông báo hiệu ngày mới, mà chúng ta quên mất rằng, dù chuông báo thức có kêu hay không, thì mặt trời vẫn sẽ mọc.
Là một sinh viên, tôi cũng thường lên các kế hoạch, thời gian biểu, to-do list cho bản thân, để sắp xếp công việc một cách khoa học hơn, và để nhắc nhở bản thân về các mục tiêu ngắn trong ngày. Tôi tìm đến một loạt ứng dụng di dộng như là Todoist, Microsoft plan, Google tasks, hay “kinh khủng” hơn đó là mấy ứng dụng kanban board như là Trello, Asana hay Monday. Thoạt đầu, tôi cảm thấy chúng thật tuyệt vời, với giao diện đẹp và dễ dùng, tiện lợi cực kỳ, lại có thể chia sẻ với nhiều người. Không biết ai đã nghĩ ra mấy ứng dụng tuyệt vời thế này. Thế nhưng, tôi cũng chỉ sử dụng được dăm ba bữa, rồi bỏ quên tới độ app chuyển qua chế độ ngủ đông sau một thời gian dài không mở lên. Không chỉ riêng tôi, mà đứa bạn tôi, nó cũng lúi cúi cặm cụi cả ngày để nhập kế hoạch lên Google calendar và đúng một tuần sau, tôi chẳng thấy nó ngó ngàng gì tới nữa.
Cứ nghĩ rằng ứng dụng không phù hợp, tôi hỏi anh xem có app nào hay ho hơn không, dù sao anh cũng là một tay công nghệ đầy mình. Thế nhưng câu trả lời chúng tôi nhận được, anh khuyên chúng tôi nên mua một gram giấy A4 hoặc một cuốn sổ tay, rồi viết kế hoạch, to-do list ra đó. Nó sẽ tiện lợi và hiệu quả hơn nhiều. Dù rằng anh rất đam mê công nghệ, nhưng anh vẫn thường sử dụng giấy và bút. Anh bảo, chúng ta cứ quá phụ thuộc vào công nghệ mà quên mất rằng, công nghệ cũng chỉ là công cụ, và nó phải phù hợp với công việc, đừng có đụng cái gì cũng suy nghĩ đầu tiên là tìm app, rồi sẽ đến một ngày, màn hình điện thoại chúng ta tràn ngập những app mà cả tháng hay cả năm, mới mở ra một lần. Có lẽ anh đúng, hãy để chúng trở thành những công cụ hỗ trợ, đừng biến tư duy của bản thân bị lệ thuộc vào chúng.
Ngay cả những ông bố bà mẹ cũng phải đầu hàng với một số thiết bị công nghệ hiện đại khi vẫn nhận thức được tác hại của nó, là việc đứa con của họ không chịu ăn khi không có thiết bị điện tử. Vừa ăn vừa xem film hoặc một số chương trình thiếu nhi đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi đứa trẻ, khiến chúng có cảm giác rằng mỗi khi ăn mà không có thiết bị điện tử giống như kiểu thức ăn chẳng có mùi vị gì cả, khi được vừa ăn vừa chơi có vẻ như chúng ăn “ngoan hơn”. Thử hỏi, những đứa trẻ – những chồi non mới nhú thứ chúng cần cho vào cơ thể mỗi ngày để duy trì sự sống là thức ăn hay thiết bị điện tử?
Để từ đó ta mới biết được rằng, những lợi ích mà nó mang lại không hề nhỏ, lưỡi dao hai mặt ấy vừa có thể cắn xén thức ăn vừa có thể làm chúng ta bị thương. Chúng có thể khiến loài người ta đau bằng những hệ quả tiêu cực trên đường đi quá đà, ăn mòn sâu vào cuộc sống mỗi chúng ta.
Chẳng còn cách nào khác, xót con, thương con và mong con ăn, con khỏe các đấng cha mẹ đành phải phục tùng và đầu hàng sự tham gia của những thiết bị điện tử can thiệp vào cuộc sống non thơ của con cái mình.
Công nghệ nó còn ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta, khiến cho chúng ta ngày càng thiếu linh hoạt, muốn mua một món đồ, việc đầu tiên tôi nghĩ đó là lướt trên shopee, đến nỗi, bây giờ ra siêu thị tìm món đồ mình cần, cũng là cả một vấn đề. Chúng ta mất dẫn khả năng tìm kiếm sản phẩm từ các quầy tạp hóa hay siêu thị. Hay đang ngồi trong quán café, lười đi ăn trưa, tôi liền gọi đồ ăn qua Grab, đến khi nhận hàng mới biết, quán tôi vừa order, kế bên quán café 2 phút đi bộ.
Công nghệ nó hiện đại thật đấy, nhưng đừng để cho nó khiến chúng ta bị phụ thuộc, và còn tệ hại hơn là để nó ăn mòn vào tư duy của chúng ta, để rồi, chúng ta không thể thích ứng cuộc sống ở một nơi xa trung tâm, nơi mà sự hỗ trợ của công nghệ ít hơn Sài gòn. Đây cũng chính là căn bệnh của những con người ở quê, lên Sài gòn sinh sống và học tập một thời gian, quay về quê lại cảm thấy không thể thích ứng. Bạn hãy nhớ là, trong lịch sử nhân loại, con người chưa bao giờ là loài mạnh nhất, con người tồn tại được tới ngày hôm nay là vì con người có khả năng thích ứng với sự thay đổi tốt nhất.
Cuộc sống ngày nay, mọi thứ xung quanh chúng tan luôn tràn ngập những công nghệ tiên tiến, nó hiện đại và tiện dụng tới mức khiến chúng ta dần đánh mất đi những kỹ năng sống cơ bản đã giúp loài người thống trị trái đất này hàng triệu năm. Thời của thế giới “internet of things” đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nó tới nỗi một số người phải thốt ra rằng, nếu một ngày mất mạng, chúng ta sẽ mất mạng.
Hay như đợt covid-19 vừa qua, nhờ sợ giúp đỡ của công nghệ mà nhiều công ty vẫn vận hành được trong điều kiện cách ly, đó là chính sách làm việc từ xa, làm việc ở nhà. Nhưng chính những người từng rất hào hứng với chính sách này cũng đã phải than thở rằng, công nghệ bó chặt cuộc sống của họ, sáng mở mắt ra là họp online tới tối, không còn khái niệm 9to5 với dân công sở, thậm chí họ đánh mất dần khả năng giao tiếp xã hội khi phải làm việc online trong một thời gian dài, điều đáng nói, nhiều công ty vẫn áp dụng chính sách làm việc online, họp online sau khi đại dịch covid đã kết thúc, chỉ vì chúng quá tiện lợi. Chúng ta thực sự có đang quá lạm dụng vào công nghệ?
Thậm chí, tôi còn nghe nói về một số quốc gia, đang triển khai việc thuê một số robot có trí thông minh nhân tạo làm quản lý, thậm chí là giám đốc. Đến lúc này, con người sẽ được ngồi không tận hưởng, đi du lịch đó đây, làm việc mình thích thôi nhưng công việc vẫn được đáp ứng, sản phẩm vẫn được tạo ra, hay sẽ có một cuộc chiến giữa con người và skynet? Tôi không chắc về viễn cảnh đó, nhưng sự thật thì một số công ty công nghệ đã phải hủy bỏ một số dự án trí thông minh nhân tạo vì nó học cách nói chuyện “không sạch sẽ” và nói dối, lươn lẹo của con người, lệch khỏi quỹ đạo được lập trình ban đầu.
Thật may mắn khi chúng ta đang có những con người hay những đạo luật chung trên không gian mạng, nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào công nghệ, đó là việc các smartphone hay ứng dung phổ biến ngày nay, buộc phải cảnh báo người dùng khi mà thời gian sử dụng tăng lên quá cao, hay như trong công việc viết lách của tôi, các công cụ tìm kiếm sẽ loại bỏ các bài viết mà bị đánh giá là được viết bởi chatGPT nói riêng và AI nói chung. Cũng như trong một bài phỏng vấn Tim Cook – CEO của Apple – ông đã khuyên mọi người nên đặt điện thoại xuống và nói chuyện, trao đổi face-to-face với nhau, dù là CEO một công ty công nghệ hàng đầu, nhưng ông khẳng định, sản phẩm công ty ông tạo ra phải với mục đích tối thượng là giúp cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn chứ không để con người bị lệ thuộc vào nó.
Vẫn như khẳng định ban đầu, công nghệ – hãy để chúng đóng vai trò là công cụ hỗ trợ, đừng để chúng ta phải phụ thuộc vào nó. Trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi lần như vậy, bên cạnh của cải vật chất được tạo ra nhiều hơn thì con người dần lệ thuộc hơn vào công cụ, và kết quả là những hình thái nhà nước quản lý mới ra đời, hay những cuộc chiến tranh được diễn ra chỉ để xâm chiếm tài nguyên phục vụ cho các công cụ được vận hành. Chúng ta đang sống trong cuộc CMCN lần thứ tư, lần này chúng ta lại tạo ra những công cụ tốt hơn mọi thời đại, để giúp chúng ta có thể dễ thở hơn với công việc hàng ngày, giúp chúng ta hạnh phúc hơn với cuộc sống, giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn nhưng “chúng” cũng ngày càng “thông minh” hơn, vậy nên, đừng để đến một ngày, chúng ta phải đi phục vụ công cụ thay vì để chúng hỗ trợ cho chúng ta.
Bình luận