Chỉ khi mất đi, người ta mới trân trọng những gì mình đã từng có
Đây không phải là một chủ đề mới, nó cũ, thậm chí là rất cũ. Dù hình thái xã hội thay đổi ra sao, nhưng từ xưa đến nay, từ thế hệ ông bà tôi, đến bố mẹ tôi, và đến khi tôi là một cô gái 20, nó vẫn là một chủ đề không thể nào tìm ra lời giải.
Có những thứ nếu mất đi thì không còn cơ hội để trân trọng
Có những thứ khi mất đi, chúng ta dễ dàng tìm kiếm sự thay thế, đó là một món đồ chơi, một cái điện thoại hay thậm chí là một vài người bạn xã giao. Tuy nhiên, cũng có những thứ, một khi mất đi, là mãi mãi không tìm lại được, một khi bỏ lỡ, là bỏ lỡ cả một đời. Vì may mắn không có nhiều đến thế, để cho chúng ta gặp lại hai lần.
Người nặng tình thì cho rằng bỏ lỡ nhau là bỏ lỡ một đời, nghe sao mà nhói mà đau. Người bình thản thì nói, có những người đến chỉ để giúp ta học được bài học về giá trị, về sự nuối tiếc khi ta đánh mất đi. Nhưng rồi cả hai cùng đau, cả hai cùng khổ, bỏ lỡ nhau đoạn kiếp sinh lai về sau. Chi vậy? Có thể tự học một mình có được không? Tại sao phải cần phải có một người đáng lẽ ra là quan trọng trong cuộc đời tham gia thực hành bài học khó khăn này?
Nhiều triết gia cho rằng, vạn sự tương sinh tương khắc, không có lên thì không có xuống, không có thấp thì không có cao, không có đắng thì không có ngọt, và không mất đi thì làm sao biết trân trọng.
Thoạt nghe cũng có vẻ hợp lý. Nhưng chúng ta là những con người thông minh đang sống trong một thế giới hiện đại, đâu cần nhất thiết phải cho tay vào lửa mới biết là lửa nóng, đâu cần phải bị bỏng ống pô mới biết cẩn thận lúc lên xe.
Con người là giống loài kỳ lạ, chẳng biết từ bao giờ, người ta lại đưa ra một tiêu chuẩn cho tình yêu là phải có thêm vị giận hờn, vị đau, vị chua chát thì mới gọi là yêu. Có nhiều cặp đôi yêu nhau, bình yên quá, yêu thương nhiều quá, thế là kiếm một chuyện chẳng đâu vào đâu, chuyện của ông này bà kia, đem ra cãi nhau… để rồi lại ước ao, lại thèm khát sự yên bình mới chỉ ngày hôm qua còn đó. Nếu may mắn thì qua vài ngày chiến tranh lạnh, bình yên sẽ quay trở lại, nếu không may mắn lại thành bài học trong đời nhau. Sao mà nó vô tri đến vậy? Đi qua những ngày mưa, lại nhớ ngày trưa nắng, đi qua ngày giông bão, mới thương nhớ bình yên? Có cần phải vậy không?
Tại sao cứ phải đến khi mất đi, chúng ta mới biết trân trọng những gì ta từng có?
Vì chúng ta tin rằng nó sẽ mãi bên cạnh
Cuộc đời con người vốn có nhiều cái giật mình, và một trong số đó là cái giật mình thoảng thốt khi ta đánh rơi những cái vốn tin rằng sẽ mãi mãi bên cạnh.
Chúng ta thường khó chịu với người thân nhưng lại niềm nở với người xa lạ, chúng ta cố gắng làm hài lòng những con người xã giao ngoài xã hội nhưng lại phớt lờ khả năng vì người trân trọng ta mà cố gắng, vì chúng ta tin rằng người trân trọng ta thì sẽ không bao giờ bỏ chúng ta đi. Đúng vậy, nhưng nếu một khi họ đã bỏ chúng ta đi, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm lại được.
Kể cũng lạ, chúng ta có thể cố gắng uống thêm một vài ly khi ngồi trên bàn nhậu, cố gắng chơi thêm một vài ván khi đang dở trận game, nhưng tuyệt nhiên, không bao giờ cố gắng thêm một chút để giữ lại những người mà chúng ta sẽ phải trân trọng khi chúng ta mất đi – là những người mà đáng ra chúng ta cần trân trọ và không được đánh mất.
Thử cùng nhau làm một bài test nhé, nếu bạn có điện thoại đến cùng lúc, một là từ bố mẹ hoặc người thân, một là từ bạn bè trong lớp, bạn sẽ nghe máy của ai trước? Đây không phải là một câu hỏi đẩy bạn vào tình huống đạo đức ứng xử như cứu vợ hay cứu mẹ khi cả hai cùng không biết bơi đâu, mà chắc hẳn bạn đã gặp tình huống này một vài lần rồi. Tôi dám cá nhiều bạn sẽ nghe điện thoại của bạn cùng lớp trước, vì bố mẹ gọi chắc chỉ hỏi thăm thôi, lát gọi lại cũng được, còn đứa bạn dăm ba bữa nó mới gọi một lần. Bố mẹ sẽ không giận hờn khi ta không nghe máy, khi ta không trả lời tin nhắn, nhưng bạn nó giận là thật như chơi chứ đùa.
Chúng ta sẵn sàng dập máy hay từ chối cuộc gọi từ người thân khi đang bận tỉ tê với một những con người xã giao quanh chúng ta, cho dù rằng người thân là người mình luôn tìm đến đầu tiên lúc khó khăn, người quan tâm mình từng miếng ăn giấc ngủ, còn cái người mà chúng ta đang bận tỉ tê cùng thì chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc đời chúng ta. Nếu không liên lạc được với chúng ta, họ cũng không có chút gì lo lắng cả chứ nói gì đến miếng ăn giấc ngủ. Chúng ta có đang quá tự tin vào việc người trân trọng ta sẽ mãi mãi ở bên cạnh ta mà không rời bỏ ta, cho dù ta không biết trân trọng?
Hay khi yêu đương tán tỉnh thì con người ta “mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”, nhưng một khi đã quen nhau rồi, 500 mét qua đón nhau cũng đã là ngược đường? Phải chăng mình xem họ là đồ trên tay là vật trong túi rồi, nó là của mình thì sẽ mãi là của mình?
Cuộc đời ấy mà, có những người chúng ta tin rằng nó luôn bên cạnh và sẽ mãi bên cạnh, vì đối với người đó, ta thực sự quan trọng đấy. Nhưng một khi họ ngừng cố gắng, một khi họ chấp nhận buông tay, thì chắc chắn chúng ta sẽ mất đi, là mất đi không thể nào tìm lại được, chỉ còn lại trân trọng trong sự tiếc nuối. Trái đất tuy có tròn, Sài gòn tuy có nhỏ, nhưng một khi đã không muốn gặp, thì nhất định sẽ không bao giờ gặp. Đừng để đến khi mất đi, ta mới biết trân trọng trong sự hối tiếc.
Đừng để quen quá thành thường
Chúng ta vẫn nghe hoài một câu chuyện, nếu một đứa trẻ được cho kẹo mỗi ngày, đến một ngày không còn được cho kẹo, nó sẽ quay qua trách bạn. Vì nó đã cho rằng, việc “thói quen” cho kẹo của bạn đã trở thành một điều quá đỗi bình thường và thành một trách nhiệm vô hình. Nó đâu biết trân trọng viên kẹo mỗi ngày bạn đưa cho.
Nếu bạn có nuôi một vài con pet như là chó, như là mèo, như là sóc, như là chim hay như là cá. Bạn có để ý không, mỗi ngày bạn cho nó ăn đều đặn như một thói quen, nhưng nó vẫn luôn vui vẻ, tươi cười và háo hức mỗi khi đón nhận đồ ăn từ bạn. Vậy mà con người tự cho mình là thông minh bậc cao lại có thể thốt ra rằng “ba ngày rồi chỉ ăn toàn cá, em không biết nấu món gì khác sao”.
Con người ta ngộ lắm, cái mình đang có, nó hiện diện mỗi ngày, bên cạnh chúng ta thì chúng lại như vô hình, chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy. Nhưng chúng ta nào biết, cái chúng ta có nhưng nó quá đỗi quen thuộc đến tưởng như vô hình lại là niềm khao khát của những người khác đấy.
Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện xoay quanh thói quen của sinh vật sống tự cho mình là thông minh nhất hành tinh này nhé. Dù trong tình huống nào, dù trong mối quan hệ nào, dù trong giai cấp nào, họ cư xử cũng y vậy!
Mới mấy hôm trước thôi, anh kể, anh đảm nhận đón một đoàn khách tứ xứ ghé thăm công ty. Sếp của anh dặn dò “tối em dẫn hai bạn Singapore đi ăn nha, you should treat them well”. Mọi chuyện cũng bình thường diễn ra cho đến khi gần chiều muộn, anh sực nhớ trong đoàn tứ xứ có hai bạn team Việt Nam, họ dường như vô hình với cả công ty. Đắn đo suy nghĩ, rồi anh kệ sếp, anh gọi điện mời thêm hai bạn team nhà đi ăn tối cùng, anh giải thích, lúc cần hỗ trợ nhất, cũng là mấy anh em Việt Nam, lúc cần xử lý chuyện gì, cũng alo họ trước, vậy mà giờ đi ăn tối, lại gọi mấy đứa xa tít. Có phải vì team nhà nên quen quá rồi, café nói chuyện với nhau suốt, dịp nào chẳng có, nên chúng ta thấy thường, rồi chúng ta không còn trân trọng?
Yêu thương, bên cạnh nhau cũng vậy, ngày qua ngày, sẽ trở thành những thói quen của nhau, nhưng hãy là những thói quen tốt, để cùng nhau trưởng thành, là trưởng thành theo ý nghĩa tích cực, là cùng nhau tốt lên, cùng nhau cảm thông, cùng nhau chia sẻ. Chứ đừng bắt nhau trưởng thành bằng sự tiếc nuối, bằng những nỗi đau và bằng sự hiểu chuyện.
Vì “cuối cùng thì những đứa trẻ hiểu chuyện chỉ nhận được cái xoa đầu thay vì viên kẹo ngọt”.
Bình luận