Review và tóm tắt sách Người Đua Diều
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra sự quan trọng của một điều gì đó, cho đến khi nó không còn nữa, cũng giống như tiêu đề bài viết mà tôi đã viết trước đây ít lâu, chỉ khi mất đi, người ta mới trân trọng những gì mình đã từng có.
Tình bạn giữa Amir và Hassan trong tiểu thuyết “người đua diều” của tiểu thuyết gia Khaled Hosseini là một minh chứng!
Cả hai lớn lên cùng nhau, Amir được sống trong một căn nhà lớn, một mảnh vườn rộng và hợp pháp được thừa hưởng mọi tiếng tăm lẫy lừng từng bố của cậu – Baba.
Còn Hassan từ nhỏ cậu phải bươn chải cùng người “cha” Ali người giúp việc cho gia đình Baba và cũng là bạn thơ ấu của Baba, công việc của Hassan thường ngày vẫn là chuẩn bị điểm tâm cho Amir mỗi khi cậu thức dậy, là quần áo cho Amir mang đi học và phơi quần áo…
Tưởng chừng như sẽ có một bức tường ngăn cách khiến con người ở hai tầng xã hội ấy không thể hòa nhập với nhau.
Ngược lại, hình như có thứ gì đó kéo chúng lại, để rồi cả hai đều là tri kỉ của nhau, chúng hiểu đối phương hơn bất cứ ai, kể cả cha chúng – Baba và Ali hay thậm chí là người chú Rahim Khan
Người ta vẫn nói, tình bạn chỉ đẹp khi ta biết thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ. Tình bạn giữa họ không chỉ dừng lại có vậy, mà lớn lao hơn, vĩ đại hơn, đó là sự tha thứ.
Là một cậu bé, ta cũng có thể gọi Amir là “cậu ấm”, lớn lên chẳng phải bận tâm điều gì ngoại trừ việc có đôi chút cậu ghen tị với Hassan vì nghĩ Baba thương và đánh giá cao bạn mình hơn cậu ta – thật ra mà nói thì lòng đố kị đối với một đứa trẻ như Amir là hoàn toàn bộc phát, không quá đáng trách.
Thế nhưng chính lòng đố kị và sự ghen ghét này không được kiểm soát và chia sẻ, nó được nuôi nấng lớn lên mỗi ngày trong con người cậu, cộng thêm chút nhát gan, Amir đã đánh mất chính mình và vùi tuổi thơ đẹp đẽ của mình bên người bạn vô giá vào quá khứ, vào cõi hư vô mà sau cậu chẳng thể nào tìm lại được.
Đó là một lần, cậu dành quán quân trong cuộc thi đua diều. Vì cậu cả ngàn lần rồi, Hassan đã đuổi lấy chiếc diều xanh cuối cùng rơi xuống, để dành cho Amir. Mãi không thấy Hassan quay trở lại, Amir đã đi tìm cậu, chứng kiến bạn mình bị ức hiếp, bị đánh vì chính chiếc diều mà Hassan vì mình, sự nhát gan cùng lòng ích kỉ đã kéo cậu lùi bước, lặng im trước mọi sự tra tấn dãn man của mấy đứa Assef, Wail và Kamal lên thân thể gầy gò yếu ớt Hassan.
Dù đã nhiều lần, chúng ta có thể nói là hầu như trong những cuộc ẩu đả, chứng kiến cảnh Amir bị đánh, Hassan đã không màng điều chi mà dũng cảm xông ra cứu cậu, bảo vệ cậu.
Thế nhưng, ở trong tình thế này, chỉ vì dành chiếc diều cho Amir, Hassan đã phải chịu những cú đánh đau đớn, thà là không thấy, thà là không biết chuyện gì xảy ra nhưng không phải vậy, Amir chứng kiến tất cả nhưng cậu vờ như không biết. “Vì cậu, cả ngàn lần rồi!” liệu còn xứng với Amir và có đáng để cho Hassan hy sinh.
Chính sự việc này đã kéo theo hàng tá bi kịch xảy ra sau đó.
Trở về nhà, cả hai như đờ đẫn người ra, dường như cả hai đã biết mọi diễn biến như người chứng kiến một cảnh quay của bộ film. Nhưng cả hai lại không nói, không hỏi han, không chuyện trò cũng chẳng chạm mặt, cứ thế khoảng cách gữa hai con người tưởng chừng như lớn lên sẽ chẳng thiếu nhau giờ đây xa chẳng khoảng cách nào có thể đo được.
Cũng chính vì điều đó, Amir đã cố làm một chuyện bỉ ổi để “tống cổ” Hassan ra khỏi nhà, để chẳng còn cái gai nào trong mắt cậu, để tình thương và sự chú ý của Baba chỉ dành riêng cho mỗi mình cậu. Cậu cố ý dúi một ít tiền cùng chiếc đồng hồ dưới gối Hassan để cậu phải gánh tội danh: kẻ ở ăn cắp.
Tưởng như Hassan sẽ chống cự, sẽ cố tìm cách để chứng minh sự trong sạch của mình. Nhưng không, cậu nhận tất cả lỗi về mình và cùng cha Ali đi ra khỏi ngôi nhà đó dù Baba đã tha lỗi.
Chiến tranh khiến cuộc sống của gia đình Amir nói riêng và toàn bộ khu Kabul nói chung trở nên đảo lộn.
Một số ở lại để chiến đấu hoặc không có khả năng ra đi, một số trở thành dân tị nạn di cư sang Mỹ – Amir và Baba là một trong số đó. Tuy vậy, cuộc sống tị nạn không hề dễ dàng chút nào, họ đã có một khoảng thời gian khó khăn và tưởng chừng như sẽ sống phần đời còn lại của mình dưới những cây cầu, trong nhà ga mà chẳng thể nào ổn định, trở lại được cuộc sống cao sang đủ đầy như lúc trước. Dần dần, hai cha con nương tựa nhau dần ổn định, nhưng chưa được bao lâu, cha Baba đã qua đời vì khối u qoái ác.
Amir đã tìm được phần còn lại của đời mình trước khi cha mất,
Cuộc sống hôn nhân trải dài, cứ tưởng cậu sẽ sống bên cạnh những người cậu yêu thương mà chẳng còn bị vướng bận với những chuyện cũ.
Nhưng Amir đã hồi hương khi được chú Rahim yêu cầu vì một chuyện quan trọng, cậu đọc được bức thư của Hassan để lại cho cậu từ tay chú, cậu biết được Hassan chính là người anh em cũng cha khác mẹ của mình, và đau đớn hơn là Hassan đã không còn!
Tình bạn, tình anh em, tình máu mủ thịt thà. Amir đã đi tìm giọt máu còn sót lại của nhà mình – Sohrab – giọt máu của Hassan.
Dù đau đớn, dù xa xôi, nhiều trắc trở, dù có lần chút nữa Amir đã không thể trở về bên người vợ cậu yêu nhất, Amir vẫn cố làm tất cả để Sohbar, để con của Hassan, cháu của mình được đền đáp, được sống trong cuộc sống đủ đầy hơn. Hành trình với Sohbar giống như là hành trình chữa lành cho chính Amir và chuộc lỗi với người bạn, người anh em quá cố – Hassan. Bằng tất cả tình yêu thương, Sohbar đã trở về Mỹ sống cùng vợ chồng nhà Amir.
Dù Hassan chẳng còn, chữ “bạn bè” chỉ còn một nửa, nhưng tâm hồn, trái tim và mong ước của Hassan vẫn còn đó, bản sao của giọt máu ấy vẫn ở đó. Amir sẽ sống lại một lần nữa, với giọt máu ấy, là khi chỉ mình cậu – một người đủ có tuổi để không chơi với bọn trẻ trò đua diều nữa, nhưng vì Hassan, vì Sohbar, Amir đã ngô nghê tìm lại tuổi thơ của mình, sống một lần nữa với tuổi thơ của mình – Hassan
Tình bạn sẽ chẳng thể mất đi kể cả khi nó chỉ còn được nằm trong kí ức của một người. Có phải Amir và Hassan đã có một tuổi thơ đẹp đẽ mà nhiều đứa trẻ mong ước, có phải Amir và Hassan đã sống hết mình khi cả hai ở trong những khoảng khắc đẹp đẽ nhất.
Hassan rất lương thiện, dũng cảm và đặc biệt, cậu biết cậu là ai, là ai đối với Amir và chú Baba. Như một lẽ thường, cậu nhường nhịn Amir và đấu tranh để bảo vệ “cậu chủ”.
Tuổi thơ của Amir cũng trở nên có đủ dư vị hơn khi được trải nghiệm cùng Hassan.
Tình bạn là khi dù qua tất cả, dù có chuyện gì xảy ra vẫn cảm thông và thấu hiểu cho nhau.
Tình bạn của Hassan còn cao thượng hơn gấp ngàn lần, biết Amir đối xử không tốt với cậu như cậu dành cho Amir, biết Amir đã có lần tàn nhẫn và lấy mình ra làm thứ giải phóng nỗi buồn, biết Amir lừa dối mình, biết Amir hại mình nhưng sau tất cả đối với Hassan, Amir vẫn tốt nhất, vẫn đáng để cậu quý trọng nhất bởi đó là tình bạn. Đó là tình máu mủ!
Amir sẽ sống phần đời còn lại trong nuối tiếc, trong dẳn vặt và hơn hết là tự hào.
Cậu tự hào vì mình từng có một tuổi thơ với một người như thế, tự hào vì Hassan vẫn còn để lại cho cậu một niềm hi vọng – Sohbar.
Thế nhưng, có lẽ cậu sẽ cũng phải sống ân hận trong suốt phần đời còn lại, ân hận vì chính lòng ích kỷ và đố kỵ của cậu đã đánh mất đi điều tuyệt vời nhất mà cậu từng có – tình bạn với Hassan – để bây giờ, cậu chỉ có thể chữa lành cho chính mình và bù đắp cho người bạn ấy, thông qua một tuổi thơ mới, vì cháu, cả ngàn lần rồi. Lần này cậu đóng vai của Hassan, chỉ là ở một điều kiện khác.
Người đua diều, một cuốn tiểu thuyết đẹp về tâm hồn và ý nghĩa, bên cạnh đó cho chúng ta thấy được bối cảnh chiến tranh tàn phá quê hương, cho chúng ta thấy được tình người, cho chúng ta thấy được giá trị của những sự gắn kết và mối quan hệ, với một kết thúc mở, người đua diều cho chúng ta vẽ tiếp bức tranh còn lại. Ta sẽ sống hối hận cả đời, hay sẽ cố gắng không để sai lầm lặp lại? Ta sẽ trân trọng những gì còn lại, hay chìm đắm trong sự đau thương?
Bình luận