Ai cũng có ước mơ, nhưng chưa chắc tất cả đều dám thực hiện…
Trong lần gặp gỡ vua xứ Salem Melchisedek, Santiago đã có cuộc trò chuyện với ông về những ước mơ.
– “Tại sao cậu chọn nghề chăn cừu?
– Vì cháu thích đi đây đi đó.
Ông già chỉ vào một người bán kem với cái xe kéo màu đỏ hai bánh đậu ở một góc bãi chợ.
– Khi còn nhỏ người bán kem kia cũng muốn đi đây đi đó lắm. Nhưng mà anh ta thấy nên mua một chiếc xe để kiếm tiền và dành dụm đã. Khi nào đủ tiền anh ta sẽ sang châu Phi chơi một tháng. Anh ta không hiểu được rằng người ta lúc nào cũng có thể thực hiện ước mơ của mình.
– Lẽ ra anh ta nên làm kẻ chăn cừu, cậu nói.
– Anh ta quả cũng có nghĩ thế đấy. Nhưng mà nghề bán kem được coi trọng hơn là chăn cừu. Họ có nhà cửa, còn người chăn cừu phải ngủ ngoài đồng hoang. Thiên hạ thích gả con gái cho người bán kem hơn là kẻ chăn cừu”.
Chúng ta đang sống vì cái gì?
Liệu rằng, chúng ta ai cũng có đủ dũng khí để theo đuổi ước mơ của bản thân mình?
Mỗi chúng ta từ khi sinh ra đều có một ước mơ, nhưng điều đáng buồn là số ít trong chúng ta có đủ can đản, tự tin, bỏ ngoài tai những định kiến để theo đuổi đến tận cùng, để đi tìm chính mình khi được sống trong những gì bản thân thực sự mong muốn.
Ta quên rằng, cuộc đời là của mình và người có quyền quyết định nó không ai khác ngoài chính mình.
Dù là nghề bán kem hay chăn cừu đi chăng nữa thì tất cả đều là nghề, cái mà con người phải lam lũ, phải chịu khó mới có thể đạt được thành công.
Tôi công nhận nghề bán kem cao quý hơn nghề chăn cừu như lời của nhà vua, bởi lẽ: “Họ có nhà cửa, còn người chăn cừu phải ngủ ngoài đồng hoang”. Nhưng thử hỏi xem, người bán kem có thực sự hạnh phúc khi đang sống trong những quyết định của bản thân? Hay anh ta đang gượng ép mình làm sao để hài lòng thiên hạ ngoài kia? Chúng ta không thể có được câu trả lời, chính người bán kem mới thực sự hiểu được những điều anh ta đang làm!
Những định kiến xã hội đang âm thầm gạt bỏ những con người can đảm dám từ bỏ tất cả để theo đuổi đam mê mà lao đầu theo những người hèn nhát, nhỏ nhỏi, đi theo cái mà thiên hạ đánh giá cao: “Nhưng mà nghề bán kem được coi trọng hơn là chăn cừu… Thiên hạ thích gả con gái cho người bán kem hơn là kẻ chăn cừu” Vậy, con người đang sống vì cái gì?
Dám theo đuổi ước mơ
Trong sự hối hả của cuộc sống hiện đại, tôi hiểu là chúng ta có nhiều hơn những thứ lo toan. Nhưng tôi mong bạn sẽ không gạt bỏ ước mơ của bản thân, cũng đừng cố làm hài lòng thiên hạ, đừng sợ thất bại, cái chúng ta cần là được sống thật với chính mình. Dù hành trình theo đuổi ước mơ có khiến chúng ta phải trầy xước, đau khổ, cô đơn thế nào đi chăng nữa cũng đừng nản lòng. Có thể, đối với thiên hạ bạn là người thất bại, nhưng ít ra bạn trở thành người chiến thắng trong chính mình. Bởi lẽ, con người ta nên tự hào rằng ít ra mình còn dám thử, dám theo đuổi, mình có quyền hãnh diện với những người không dám theo đuổi ước mơ, với những người ngày đêm chật vật, hối hận vì không dám đi theo ước mơ.
Như tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Mark Twain từng nói “Hai mươi năm sau bạn sẽ hối hận vì những gì bạn không làm, hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn.” Và tôi mong rằng, bạn sẽ không bao giờ phải nói hai từ giá như khi kể về ước mơ của mình với thế hệ sau.
Có thể, Santiago còn trẻ, còn thời gian và đủ kiên trì để theo đuổi mục tiêu mãnh liệt của mình, nhưng người bán kem cũng có thể làm điều đó, cho dù cuộc sống theo nghề bao nhiêu năm khiến anh ta ngại thay đổi, hay cuộc sống hiện tại của anh đã ổn định, hoặc có thể anh ấy đang dùng chính nghề bán kem để sống qua ngày, để quên đi rằng mình cũng từng có một khao khát mãnh liệt được đi đây đi đó như thế. Nhưng, không bao giờ là quá muộn để chúng ta theo đuổi ước mơ!
Không bao giờ là quá muộn
Giới trẻ bây giờ – ý tôi là các anh chị thế hệ trẻ 8x 9x – đang có một xu hướng là FIRE (financial independence retire early) có nghĩa là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm. Tôi cho rằng, cùng với sự phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật và nhận thức con người ngày càng sâu sắc, họ bắt đầu nhìn vào bên trong thay vì nhìn ra ngoài, họ không còn muốn bán hết sức lực, tuổi trẻ cho cái gọi là cơm áo gạo tiền, hay tiêu chuẩn xã hội một vợ hai con ba lầu bốn bánh nữa.
Thay vào đó, họ muốn theo đuổi ước mơ của mình. Họ lựa chọn nghỉ hưu sớm, không phải là họ muốn an nhàn, không phải vì họ lười biếng. Họ chỉ từ bỏ một công việc mà xã hội coi trọng để theo đuổi một công việc mà chính bản thân họ từng mơ ước. Đó là làm vườn, đó là chăn nuôi, đó là viết sách, đó là sáng tác nhạc hay làm đồ thủ công mỹ nghệ – những nghề mà theo lý thuyết Ikigai là cái mà bạn yêu thích (bạn có thể giỏi hoặc không) nhưng nó lại là thứ mà xã hội không thực sự cần, hay họ cũng không được trả tiền để làm, cho nên thu nhập của họ có thể ít đi, nhưng đổi lại, họ được làm chính mình, thỏa sức với ước mơ của chính mình và chiến thắng chính mình.
Nếu như Santiago cậu có cả một tuổi trẻ để theo đuổi ước mơ, thì Harland Sanders, sáng lập KFC năm 65 tuổi, sau khi gần như mất hết tất cả, với 105 đô la cuối cùng trong tay, ông đã nghĩ đến việc tự tử. Nhưng rồi niềm đam mê nấu ăn từ nhỏ của ông đã nổi dậy, niềm đam mê kinh doanh khi ở tuổi xế chiều, ông đã sáng lập thương hiệu gà rán KFC, với lòng đam mê và sự kiên định theo đuổi ước mơ, ông đã biến nó trở nên nổi tiếng toàn cầu với giá trị khoảng 28 tỉ đô (năm 2023).
Hay không cần phải là một ước mơ thành công vang dội như Harland, tôi còn nhớ, cách đây 3 năm độ tôi còn học cấp ba, tôi đọc được một bài báo về ông Guiseppe Paterno, nhận bằng tốt nghiệp đại học loại xuất sắc ở tuổi 96. Nói về hành trình chinh phục ước mơ của ông quả là không dễ dàng gì, thời thế bắt ông phải tham gia phục vụ Hải quân trong thế chiến, sau khi xuất ngũ tình hình suy thoái kinh tế, khó khăn chồng chất khó khăn, công việc và gia đình mới là ưu tiền hàng đầu lúc bấy giờ. Nhưng với một khao khát mãnh liệt rằng “kiến thức như một hành trang tôi mang theo, đó là một kho báu”, ông đã không muộn khi dám theo đuối ước mơ đã đeo bám ông từ khi là cậu bé. Và trở thành cử nhân đại học Palermo lớn tuổi nhất nước Ý.
Quả ngọt sẽ đến với bạn
“Khi ta thực sự khao khát một điều gì đó, thì cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp ta đạt được nó’’
Quả ngọt luôn đến với những người có đủ kiên trì, nỗ lực để theo đuổi ước mơ của mình. Lịch sử loài người đã chứng minh được điều đó, thử hỏi có mấy ai trung thành với ước mơ mà không thành công?
Có thể đôi lúc họ sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản vì thất bại. Nhưng họ vẫn quyết không bỏ cuộc, và rồi họ tiếp tục chống chọi để đạt được ước mơ, sự kiên cường đó sẽ chiến thắng tất cả, như Santiago.
Vốn là một đứa trẻ không phó mặc cho số phận, cậu ra đi chỉ với đàn cừu và mấy đồng xu ít ỏi, nhưng với niềm đam mê, khao khát được du ngoạn thế giới, khao khát đi tìm vận mệnh của mình, cậu vẫn luôn cố gắng không ngừng dù biết rằng giấc mơ hãy còn xa vời, thậm chí là biến mất, nhưng cậu không ngừng nỗ lực. Đã có lúc cậu từ bỏ và muốn mua lại mấy con cừu để tiếp tục làm kẻ chăn cừu, nhưng giấc mơ vẫn còn đó, vẫn chọn sống tiếp với ước mơ, bởi “Chỉ khi nào có khả năng thực hiện được giấc mơ thì cuộc sống mới đáng sống”
Đến cuối cùng, cậu đã thành công trên hành trình đó, đã tìm thấy vận mệnh của mình. À không, cậu còn được nhiều hơn thế nữa, cậu khám phá ra được nhiều vùng đất mới, đi đến nhiều nơi, gặp được nhiều người và đặc biệt là tìm thấy được tình yêu đích thực của mình – Fatima.
“Ước mơ sinh ra là để theo đuổi, chứ không phải để từ bỏ”
Tôi cá chắc rằng bạn vẫn đang ấp ủ một vài ước mơ nào đó mà chưa dám làm.
Có phải ngày nào tim bạn luôn rạo rực khi nghĩ về nó?
Có phải đã có lần bạn muốn từ bỏ vì nản lòng?
Có phải bạn sợ thất bại, bạn sợ đau hay sợ người khác chê cười?
Xin đừng từ bỏ ước mơ, hãy cố gắng, hãy chiến đấu đến cùng để bảo vệ nó.
Hãy nhớ rằng:
- “Không ai có quyền phán xét bạn khi họ chưa hiểu gì về bạn”.
- “Chúng ta không có cơ hội làm quá nhiều điều, và mỗi thứ chúng ta làm đều phải thật sự tuyệt vời. Bởi vì đây là cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, và rồi bạn chết, bạn biết chứ? Và chúng ta đều được lựa chọn để làm điều này với cuộc đời mình. Vì vậy điều ta làm nên thật tốt. Nên đáng giá.” (Steve Jobs).
- Hạnh phúc không phải là tìm thấy giấc mơ, mà là hành trình tìm kiếm giấc mơ.
Bình luận