Review sách: Muôn kiếp nhân sinh

Tác giả: John Vũ - Nguyên Phong

Muôn kiếp nhân sinh (Many Lives – Many Times) là một cuốn sách của tác giả Giáo sư John Vũ, là một nhà khoa học, giảng viên tại trường Đại học Carnegie Mellon, người đã phóng tác thành công nhiều cuốn sách dưới góc nhìn Phật giáo, trong đó có cuốn Hành trình về phương Đông. Ông còn là một cây bút về giáo dục trên chuyên mục Góc nhìn của VnExpress. Muôn kiếp nhân sinh sẽ đưa chúng ta tiếp cận với góc nhìn mới về thế giới luân hồi và nhân quả trong vũ trụ bao la này.

Tags: , , , ,

Muôn kiếp nhân sinh (Many Lives – Many Times) là tựa sách đã làm mưa làm gió trong cộng đồng đọc sách ngay khi vừa mới phát hành. Tuy nhiên, mãi tới tết này, mình mới có thời gian và cảm hứng để đọc.

Tác giả John Vũ – Nguyên Phong

Tác giả là giáo sư John Vũ (Nguyên Phong) thì có vẻ không còn quá xa lạ với mọi người qua blog science-technology.vn của ông. Ông là một nhà khoa học nổi tiếng ở nước Mỹ, đứng trong top 10 những người sáng tạo nhất thế giới, ông cũng là giảng viên tại trường Đại học Carnegie Mellon. Mọi người thường biết đến ông qua những cuốn sách trước đó mà ông đã phóng tác như Hành trình về phương Đông, Bên rặng Tuyết sơn, Đường mây qua xứ tuyết. Có lẽ vì sự nổi tiếng của ông nên ngay khi vừa ra mắt, Muôn kiếp nhân sinh đã làm mưa làm gió suốt mấy tháng liền trong cộng đồng đọc sách.

Trước khi đọc sách, mình đã đưa sách cho một người chị đọc và chị nhận xét rằng, “nồng độ” của cuốn này nhẹ hơn cuốn Hành trình về phương Đông, nên nếu ai đã đọc Hành trình về phương Đông (như chị) sẽ thấy cuốn sách không còn đủ hấp dẫn. Nhưng mình thì chưa từng đọc, nên có vẻ ổn.

Nội dung Muôn kiếp nhân sinh

Nội dung cuốn sách đúng là có “nồng độ” khá nhẹ nhàng, dường như cuốn sách muốn mang tới những cái nhìn cơ bản nhất cho hầu hết người đọc phổ thông.

Xuyên suốt cuốn sách là sẽ câu chuyện kể lại của một người bạn của tác giả, là một vị doanh nhân thành đạt, có cơ hội hồi tưởng về các tiền kiếp mà ông đã trải qua. Vì nó có đôi chút tính phản khoa học hiện tại mà theo tác giả – là một nhà khoa học – thì đó là giới hạn kiến thức. Nên để đọc được cuốn sách này đòi hỏi bạn phải bỏ qua các định kiến về tôn giáo, về tâm linh hoặc chấp nhận rằng bản thân chúng ta, bản thân thế giới hiện tại đang có những tồn tại và giới hạn về kiến thức, về sự hiểu biết mang tính chiều sâu Vũ trụ.
Nếu mình có thể khuyên bạn, mình sẽ khuyên rằng bạn hãy tiếp cận nội dung cuốn sách với mục đích tốt đẹp, đừng bàn tới việc đúng sai của câu chuyện, có thể câu chuyện chỉ là do tác giả vẽ ra, nhưng chung quy lại, ông muốn chúng ta tiếp cận với 3 quy luật vận hành cơ bản của Vũ trụ:

  • Quy luật luân hồi
  • Quy luật nhân quả
  • Quy luật thành – trụ – hoại – diệt

Ba quy luật trên cũng là nội dung chính của cuốn sách, nó được tác giả dựa theo những quy luật chung của Phật giáo. Bởi vậy nên khi đọc cuốn sách, mình có một cảm giác rất quen thuộc, dù lần đầu tiên đọc sách của John Vũ. Có lẽ bởi thỉnh thoảng mình vẫn có nói chuyện với một người bạn bằng những ngôn ngữ Phật giáo, người bạn mà nhóm bạn tụi mình phong cho là phật sống.

Những điều còn đọng lại

Ngồi ngẫm lại những gì đã và đang diễn ra xung quanh cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể kết luận rằng ba quy luật cơ bản của vũ trụ là những thứ không phải bất khả dĩ. Ít nhất là hai quy luật sau cùng là quy luật nhân quả và quy luật thành trụ hoại diệt, là hai thứ mà chúng ta dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống này, ít nhất là một vài lần.

Bên cạnh đó, tác giả muốn chúng ta tiếp cận với các vấn đề trong cuộc sống bằng cách nhìn vào bên trong chính ta, chứ không cần cầu xin thần linh nào hết, thần linh tồn tại ngay bên trong chúng ta chứ không tồn tại bên ngoài vũ trụ.

Mình không đi quá sâu vào nội dung sách, hy vọng một chút nhiêu đó giúp bạn có cái nhìn đủ về cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh.

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận