Giết con chim nhại là một trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển mà hễ “người đọc sách” nào cũng sẽ được giới thiệu, hoặc đã đọc qua vài lần. Tôi cũng không ngoại lệ.
Tiểu thuyết Giết con chim nhại lấy bối cảnh vào những năm đại khủng hoảng, tại một thị trấn nhỏ thuộc hạt Maycomb miền nam nước Mỹ – nơi mà nạn phân biệt chủng tộc có thể nói là sâu sắc nhất lúc bấy giờ, cũng chính nơi đây đã sinh ra Martin Luther King, Jr. một nhà hoạt động nhân quyền đoạt Giải Nobel Hoà bình và là lãnh tụ Phong trào Dân quyền Mỹ.
Cuốn tiểu thuyết luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 10 triệu cuốn.
Dưới sự dẫn dắt và kể chuyện của cô bé Jean Louse Finch (biệt danh Scout) mới chỉ năm tuổi, cuốn sách xoay quanh cuộc sống thường ngày của hai anh em nhà Finch và cha Atticus. Tuy nhiên thông qua cuộc sống thường ngày này, nó đã để lại cho tôi cái ấn tượng sâu sắc nhất về tác phẩm, dường như là “văn minh phương tây và phần còn lại của thế giới”.
Giáo dục từ sự tử tế
Hai anh em Jem và Scout, mẹ mất sớm, được bố Atticus dù rất bận rộn với công việc luật sư của mình nhưng vẫn luôn cố gắng nuôi nấng và dạy dỗ bằng chính những điều tử tế nhỏ nhặt nhất trong câu chuyện hằng ngày, bằng chính sự điềm đạm nhất và tình yêu thương vô bờ bến.
Nhưng cũng chính sự tử tế và điềm đạm đó, nó khiến cho chúng ta cảm thấy xa lạ trong một thế giới thực, nơi mà mưu sinh cơm áo gạo tiền bủa vây, nơi mà cảm xúc luôn chế ngự hành động của mỗi người. Nó khác xa với những gì chúng ta chứng kiến trong văn hóa Á Đông và thậm chí dù là trong phim ảnh, do đó mà câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết được đánh giá là vượt qua khuôn khổ chân dung về một nhân vật. Nó không phải là câu chuyện của những cô cậu tuổi mới lớn, nó không phải là câu chuyện của các bà cô hàng xóm, nó không phải là câu chuyện của ông luật sư, mà đó là câu chuyện về sự tử tế trong giáo dục.
Thoạt đầu tôi còn có ý định đóng cuốn sách lại khi biết nhân vật kể chuyện là một bé gái năm tuổi – Scout, nhưng em lại nói về những thứ mang tính thời sự, xã hội và cả chính trị, nằm ngoài trí tưởng tượng của tôi về một đứa trẻ năm sáu tuổi, với những viên bi, cánh diều và viên kẹo ngọt. Nhưng cũng chính điều này làm tôi tò mò, liệu rằng điều gì đã tạo nên sự khác biệt ấy?
“Con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi… Đây là một việc tốt, cho dù nó cản trở việc học” – đó chính là cách bố Atticus đã dạy dỗ Scout và Jem khi cô bé năm tuổi đã đánh nhau với bạn học vì bị trêu chọc rằng “bố mày bảo vệ cho bọn mọi đen”. Bố Atticus luôn lặp đi lặp lại câu nói “ngẩng cao đầu” trong xuyên suốt tác phẩm như một lý tưởng sống mà ông muốn truyền tải tới hai đứa con thơ. Với Jem và Scout, Bố Atticus luôn hành động chuẩn mực nhất có thể, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, để làm gương cho con, để hai đứa con thơ của mình được học theo những điều đẹp đẽ, ông đã sống và làm việc với một tâm thế: không làm gì hổ thẹn với đời, không phân biệt màu da, nguồn gốc, văn hóa và sắc tộc, mọi người trong xã hội đều bình đẳng. Dường như bố Atticus là một hình mẫu lý tưởng của “người thầy ở nhà”.
Bên cạnh đó, bố Atticus luôn cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho hai anh em, không bao giờ để sự cáu giận trong một ngày dài áp lực cho hai đứa con thấy, cũng không vì những sự tinh nghịch của trẻ thơ mà nổi giận, ông chấp nhận các trò chơi ngây ngô, thơ dại để cho hai anh em thoải mái chơi với cát, nặn người tuyết, dù rằng lấm bẩn hết từ ngoài sân vào tới trong nhà. Bố Atticus luôn muốn con yêu của mình được thỏa sức với những gì chúng muốn, lẽ dĩ nhiên ông tin chúng sẽ không làm những việc xấu, khiến ông thất vọng hay nói các khác là ông tin vào “sự giáo dục” của mình. Jem và Scout cũng không phải chịu những trận đòn roi như Zezé, hai anh em cũng không cần phải khao khát tình yêu thương từ chính người bố của mình.
Bố Atticus không lấy khoảng cách tuổi tác ra để xem hai đứa con mình chỉ là “con nít” về sự hiểu biết, ông luôn tâm sự và chia sẻ với con về tất cả mọi thứ, từ cách ứng xử ra sao để trở thành một quý ông và quý cô, từ những câu chuyện trong công việc của ông và thái độ của những người hàng xóm. Ông luôn thể hiện sự thấu cảm với tất thảy mọi người yếu thế trong cuộc sống, dù đó là gia đình biệt lập Radley, dù đó là ông Cunningham ngay tối hôm qua còn muốn hại bố, hay đó là bà già xấu xa nhất trên đời – Dubose, vì “không đúng khi ghét bất cứ ai”. Bởi chính việc ông đồng ý cho Jem thực hiện việc đọc sách theo yêu cầu của bà Dubose, là một cách giúp dạy hai đứa trẻ tính kiên nhẫn; hay từ việc cháy nhà của cô Maudie, cô đã giúp hai đứa trẻ hiểu rằng dù trong mọi tình huống tồi tệ đến đâu, vẫn luôn có cách giải quyết, “Cô luôn muốn có một ngôi nhà nhỏ hơn để có thêm sân, bây giờ cô sẽ có thêm đất cho mấy cây đỗ quyên của cô!”.
Và ông cũng chưa một lần khoe mẽ về tài năng của ông, vì như cô Maudie đã nói “con người có đầu óc sáng suốt thì không bao giờ tự hào về tài năng của mình”. Tôi không quá lời khi cho rằng, đây chính là một hình mẫu lý tưởng về một người bố trong xã hội hiện đại.
Chính từ sự tử tế, tận tâm và hay ho trong cách giáo dục của người bố, đã hình thành hai đứa con dù trẻ tuổi nhưng biết yêu thương nhân loại và có trách nhiệm với xã hội, vì khi một người biết yêu thương, tự nhiên họ sinh ra trách nhiệm.
Scout dù mới năm sáu tuổi, nhưng lại đau đáu về nền dân chủ thực sự ở nước Mỹ, một nơi được cho là có quyền bình đẳng cho mọi người, không có đặc quyền cho bất cứ ai, nhưng “làm thế nào anh có thể ghét Hitler dữ dội và suy nghĩ tồi tệ về một người khác ngay tại quê nhà” khi Scout nghe cô Gates thể hiện tiêu chuẩn kép, nói rằng “phải dạy cho chúng một bài học, chúng đang vượt qua thân phận của chúng rồi đấy, và điều kế tiếp chúng nghĩ chúng có thể làm là cười chúng ta.” – ý nói người da đen.
Sự giáo dục, nếu nói theo cách người thầy lãnh đạo ngôi trường hàng đầu về sứ mệnh giáo dục – GS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội rằng:
Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ, phải bắt đầu để mỗi trẻ biết thương cha thương mẹ, biết cảm thông với nỗi nhọc nhằn, biết bưng bát cơm là chắt chiu từng hạt. Giáo dục để trẻ đến với nhau bằng tình thương trang lứa, để mỗi em thơ không mặc cảm giàu hay nghèo. Cái cao cả của một nền giáo dục không phải chỉ tạo ra các chuyên gia thật giỏi giang, mà thành công trước tiên là tạo ra những con người ứng xử văn minh và có tấm lòng rộng lượng. Giáo dục để mỗi trẻ biết yêu thương đồng chua nước mặn, biết quý dãi cát trắng trải dài […] vì khi một người biết yêu thương, tự nhiên họ sinh ra trách nhiệm.
GS Nguyễn Văn Minh
Thì chính sự giáo dục trong cuốn sách này, chính cách mà bố Atticus đã dạy bảo hai anh em Scout và Jem, đã hoàn toàn đáp ứng được sứ mệnh cao cả đó.
Có phải chính sự khác biệt này đã tạo nên một nền văn minh phương tây mà ngày nay chúng ta đang hết sức ngưỡng mộ và học hỏi? Và có phải chính điều này, đã hình thành nên sự thượng đẳng ở phương tây?
Sự thượng đẳng của người da trắng
Cuốn tiểu thuyết Giết con chim nhại, bên cạnh những giải thưởng danh giá, bên cạnh việc được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông ở Mỹ, thì nó cũng là một trong những cuốn sách thường xuyên bị đưa ra xem xét và chỉ trích nhất, và cái mà người ta chỉ trích nhiều nhất, chính là sự thượng đẳng của người da trắng – một vấn đề mà bạn sẽ nhận ra ngay khi đọc cuốn sách một vài chương đầu tiên.
Đó là cuộc sống bất công chủng tộc đã diễn ra trong suốt giai đoạn đại khủng hoảng tại miền nam nước Mỹ. Những người da trắng trong câu chuyện, dù họ làm công việc gì hay thậm chí chỉ ở không trồng hoa trước sân, cuộc sống của họ vẫn đủ đầy, họ chẳng phải mảy may lo toan mưu sinh cơm áo, dù gia đình chẳng khá giá gì nhưng đều có những người da đen giúp việc, và họ ban phát sự lương thiện của mình rằng “Cô ta không hề hiểu rằng lý do duy nhất tôi giữ cô ta lại là vì tình trạng suy thoái diễn ra và cô ta cần mớ một đô hăm lăm xu mà cô ta nhận được mỗi tuần.”
Sự thấu cảm trong cuốn sách, nếu nhìn theo một góc cạnh nào đó, chúng ta có thể cảm nhận rằng đó là sự ban phát của những con người thượng đẳng, chứ không hẳn là tình yêu thương của giống loài. Đó là sự cho đi khi nhìn thấy sự bất công với người yếu thế, nhưng sẽ là sự cho đi có chừng mực, như cách cô Gates đã nói, hoặc như cách quan tòa đã sắp xếp cho bố Atticus làm luật sư cho Tom Robinson.
Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta sẽ phải đồng ý rằng, chính sự thượng đẳng hơn người của người da trắng, đã mang đến cho họ nỗi đau trước giống loài, nỗi đau trước sự thống khổ của những người tại quê nhà và trên đất mẹ. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, những cuộc đấu tranh, đứng dậy đòi quyền tự do dân chủ cho cá nhân hay một dân tộc yếu thế, luôn có sự góp mặt của tầng lớp da trắng thượng đẳng với sự giáo dục tử tế. Đó cũng là quy luật tất yếu của nhận thức tự nhiên đã được Maslow đề cập trong tháp nhu cầu của ông, khi mà những con người thượng đẳng vượt qua những nhu cầu cơ bản về tiền tài, địa vị họ sẽ hướng tới nhu cầu được tôn trọng và khẳng định bản thân, chính hai cái nhu cầu cao nhất này, đã khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Tôi đồ rằng, nếu như sự thượng đẳng được đặt đúng chỗ, thay vì yêu cầu hạt Maycomb dẹp khu người da đen sát bên nhà mình vì cảm thấy không an toàn và làm giảm giá trị căn nhà của mình như gia đình Ewell, mà đó là sự thấu cảm cho chính những con người bằng da bằng thịt nhưng lại chịu sự phân biệt sâu sắc ngay trên đất nước đại diện cho dân chủ của bố Atticus, của Jem và của cả Scout, thì có chăng, đó là một sự thượng đẳng cao đẹp?
Lời kết
Chung quy lại, với tôi thì Giết con chim nhại đã hoàn thành xuất sắc cả ba sứ mệnh mà văn học cần mang lại, đó là nhận thức về xã hội, về cuộc sống và thực trạng xã hội lúc bấy giờ; đó là giáo dục từ những điều tử tế nhỏ nhặt nhất; và đó là thẩm mĩ – nét đẹp trong từng câu chữ mà tác giả mang lại.
Mặc dù vậy, tôi không thể đồng ý với anh rằng, nó là cuốn hay nhất cùng với bộ ba tiểu thuyết kinh điển với Bắt trẻ đồng xanh và Cây cam ngọt của tôi. Thậm chí tôi có phần hơi thất vọng vì anh đã cho tôi một kỳ vọng quá cao trước khi đưa cho tôi cuốn sách này. Vậy nên nếu như bạn không phải là một người có chủ nghĩa giáo dục và cũng không thích nghị luận xã hội như anh, thì hãy đón nhận cuốn sách với 50% kỳ vọng thôi, làm như vậy có thể bạn sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời với nó – dù sao nó cũng là một cuốn tiểu thuyết kinh điển bán chạy nhất mọi thời đại cơ mà.
Bình luận