“Chỉ những kẻ thực sự dám thì mới có thể bay” – Chuyện con mèo dạy hải âu bay kể về hành trình ấp nở một quả trứng, nuôi lớn một con hải âu và dạy nó bay.
Review sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay
Sinh ra không được đồng hành cùng giống loài, ít nhất là với mẹ của nó, con hải âu may mắn gặp được Zorba – một chú mèo đen, béo ú nhưng tử tế – quả trứng được ấp nở bằng lời hứa, bằng tình thương, bằng sự kỳ vọng của một chú mèo cao quý.
Với ba lời hứa với mẹ hải âu, thứ nhất, không ăn quả trứng. Vốn được nuôi nấng trong bàn tay đầy tình thương của cậu chủ, vượt qua cám dỗ với một quả trứng chim hải âu với chú mèo mà nói chẳng nhằm nhò gì so với những bữa ăn thịnh soạn mà cậu ta được ăn. Bởi vậy, rất dễ dàng để cậu giữ lời hứa thứ nhất.
Thứ hai, chăm lo cho quả trứng đến khi con chim non ra đời. Hiểu chuyện và ấm áp, sau một thời gian với sự đồng hành của những chú mèo ở cảnh, tất cả đã chở che, bao bọc và chào đón con chim hải âu bé bỏng chào đời. Dù rằng trước đó, đã có lần quả trứng suýt nữa đã trở thành món điểm tâm ngon lành cho hai con mèo hoang. Thế nhưng, với linh cảm của một người mẹ, một người dùng chính hơi ấm của một con mèo đi ấp một quả trứng chim, chú mèo hiểu hơn bao giờ hết việc phải dùng tất cả mọi khả năng để bảo vệ “đứa con” chưa kịp chào đời này.
Thứ ba, dạy nó bay. Được chăm sóc, được ăn những món ăn mà có thể nhiều chú hải âu sau khi ra đời không được ăn. Lucky, lớn nhanh bên cạnh những chú mèo. Dạy Lucky bay cũng là lời hứa khó nhất của mèo mun với mẹ nó. Qua bao lần tra từ điểm bách khoa, sau bao lần thực hành nản chí, sau những lần mạo hiểm dám đánh đổi cả sinh mạng loài mèo để cho hải âu được thực sự làm chính nó – cầu cứu loài người! May mắn, hải âu tung cánh bay lượn trên bầu trời, ngắm nhìn sự thành công đó, niềm vui sướng khi thực sự là chính mình của hải âu, mèo đen hạnh phúc ướt mắt, kết thúc nhiệm kì làm mẹ.
Cuốn sách không quá dài, nhưng bài học và những suy ngẫm nó mang lại cho chúng ta không hề ngắn.
Đó là sự suy tư về việc giữ lời hứa. Biết rằng, khi trong tình thế chứng kiến một người sắp từ giã cõi đời, những lời cuối cùng họ nói ra cũng chính là niềm đau đáu suốt cuộc đời mà họ chẳng thể làm được, không có thời gian suy nghĩ cũng như chẳng thể chắc chắn được bản thân có thể hoàn thành tâm nguyện đó hay không. Nhưng để hải âu mẹ ra đi một cách thanh thản, không dằn vặt cũng chẳng tiếc nuối, bằng sự cao thượng của mình, trước khi tìm cách cứu hải âu mẹ, mèo đen đã đồng ý.
Biết rằng, đó có thể là lời hứa tạm thời để đáp ứng tâm nguyện của mẹ hải âu, nhưng mèo đen đã hoàn thành tất cả, quả trứng được nở ra một cách an toàn, chú hải âu con được tung lượn trên bầu trời của riêng nó. Mèo đen hạnh phúc, hải âu mẹ mãn nguyện, Lucky được là chính mình. Nhưng để có được thành quả đó, để lời hứa trở nên trọn vẹn, đó là cả một câu chuyện dài đáng suy ngẫm với những bài học để lại cho người đọc.
Đó là bài học về sự học, sự đoàn kết. Vốn là mèo, những kĩ năng bẩm sinh vốn có của chúng chẳng thể nào ấp nở nổi một quả trứng, nuôi lớn một con chim, hay là dạy cho nó cách bay. Thế nhưng, tận dụng những gì chúng có – từ điển bách khoa toàn thư với sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý giữa những chú mèo. Chúng đã tìm ra cách làm sao để quả trứng có thể nở, hải âu con có thể lớn và làn sao Lucky có thể bay. Đó là sự học, sự tự tìm tòi và hơn hết là sự đoàn kết giữa những cá thể khác biệt.
Đó là niềm tin. Chẳng ai tin rằng, loài mèo lại có thể ấp nở nổi một quả trứng chim, nuôi nó lớn và tìm cách cho nó bay. Như Tom và Jerry, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng mục đích của mèo là để chén nó sau khi nó lớn hơn, béo thơm hơn. Thế nhưng, chúng ta nên biết rằng đôi khi niềm tin là thứ cần hơn tất cả, bất kể thứ gì. Bởi lẽ, nếu không có niềm tin làm sao chú hải âu non nớt lại gửi gắm cả cuộc đời mình cho những chú mèo, sao lũ chuột lại thoả hiệp với mèo đen, sao một con người lại sẵn lòng dang tay nâng chú chim bay vào không trung, và quan trọng nhất, làm sao Zorba có thể tự tin về lời hứa của mình có thể mang Lucky được cất cánh bay lên bầu trời mênh mông và rộng lớn, được là chính mình – một chú hải âu để tiếp tục hành trình chinh phục bầu trời biển cả.
Đó là tình yêu thương với những điều khác biệt, đó là sự trân trọng, quý mến và yêu thương những cá thể không giống chúng ta. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn. Chẳng phải nguyên nhân của các xung đột trên thế giới ngày này chủ yếu là đến từ sự khác biệt hay sao, đó là sự khác nhau về tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, quốc gia và giống loài. Chúng ta tự cho rằng chúng ta là sinh vật bậc cao, dân tộc chúng ta là giống nòi thượng đẳng, rồi chúng ta dùng những lý do đó để chèn ép đến đè bẹp các dân tộc, giống loài khác. Zorba, một chú mèo xuất thân “quý tộc”, thuộc họ nhà mèo, sinh con và nuôi con bằng sữa, chẳng giống chút nào nếu đem so sánh với loài hải âu, thuộc họ nhà chim, sinh con bằng trứng, chinh phục bầu trời biển cả với sải cánh của mình, ấy vậy mà tình yêu thương đã được chớm nở, không có sự phân biệt nào ở đây cả, chỉ có tình yêu thương tồn tại.
Đó cũng là bài học về tình yêu thương. Tôi vẫn tin rằng, tình yêu thương thật sự không thể là một tiếng sét ái tình, không thể là một cái cảm nắng nhất thời, mà đó là sự quan tâm, chăm sóc ngày qua ngày. Khoảng cách từ lời hứa đi đến hành động chắc hẳn chẳng dễ dàng gì. Từ việc bảo vệ quả trứng, học và tìm cách ấp trứng, đảm bảo cho trứng nở, rồi đến khi chú hải âu non chào đời, quan tâm tới từng miếng ăn, bảo vệ chú chim non trước những mối nguy xung quanh, dạy chú chim non cất cánh và hạnh phúc nhìn thấy đôi cánh ấy dang rộng trên bầu trời xanh bao la. Đó chính là quá trình xây dựng một tình yêu thương thực thụ với Lucky, bằng chính trái tim ấm của Zorba. Và nhờ chính tình yêu thương này, mà cái kết của tác phẩm đã trở nên happy ending thực sự.
Bên cạnh đó, nếu nhìn xa hơn, chúng ta có thể thấy được bài học về việc bảo vệ môi trường trong tác phẩm, nên nhớ, hải âu mẹ bị tai nạn vì váng dầu trên biển – thứ chất thải nguy hiểm mà những con người xấu xa bí mật đổ ra đại dương, nếu như không có sự tàn phá môi trường biển của con người, quả trứng hải âu ấy sẽ được ấp nở bằng chính giọt máu của giống loài mình, rồi sẽ chẳng một hải âu nào bị mồ côi cả, chúng được lớn lên trong chính nơi chúng thuộc về.
Vốn dĩ cuốn sách thuộc về thế giới trẻ thơ, từ nội dung cho đến trình bày, khi size chữ, bố cục, cách bố trí, lối kể chuyện, tất cả dừng như cho chúng ta biết mục đích cuốn sách ra đời là để phục vụ những tâm hồn non trẻ, bằng những bài học mà khi chúng sẽ lớn hơn, sẽ sống tốt hơn và ý nghĩa hơn. Thế những, không ai ra điều cấm rằng người lớn không thể đọc nó, khi mà cuốn sách nguyên bản có tiêu đề phụ là “tiểu thuyết dành cho giới trẻ từ 8 đến 88 tuổi” – Ở một khía cạnh khác, góc nhìn khác, nhân sinh quan khác thế giới người lớn sẽ khai thác được những bài học sâu sắc hơn, chân thực hơn và toàn vẹn hơn.
Bình luận