Tôi đọc xong cuốn sách này ở một thời điểm, mà lúc đó, tôi chẳng biết bản thân mình nên phải làm gì. Và…
Một ngôi trường làng nhỏ sẽ bị buộc đóng cửa nếu trong năm học mới không có đủ 10 bạn học sinh. Trong phút chót, lúc mà trường chỉ có 9 bạn, cũng là lúc mà thầy Hiệu trường Harfan đang vừa đọc diễn văn để khép lại lịch sử của ngôi trường, vừa trông ngóng xem có hy vọng nào lóe sáng, thì một cậu bé không bình thường ẩn mình trong một cơ thể 15 năm tuổi bước đến, ngôi trường làng nghèo ấy, tiếp tục viết nên những trang sử cho những chiến binh cầu vồng.
Tôi muốn bản thân cũng là một chiến binh, có đủ can đảm và dũng khí để làm những gì bản thân ước ao, có đủ nhạy bé và tinh anh để khiến cho cuộc sống tôi trở nên thú vị hơn, có đủ mạnh mẽ và cương quyết để nói lên những gì bản thân muốn nói.
Tôi vừa sống nhiều hơn một cuộc đời! Ikal, A Kiong, Trapani, Lintang, Syahdan, Kucai, Mahar, Harun, Borek! Câu chuyện trong cuốn sách nhắc nhớ tôi về một thời – thời mà chúng tôi đã cùng nhau, không lợi ích, không phân bì, không tiền bạc, chúng tôi đã trải qua những cảm xúc mà những đứa trẻ bất hạnh ở thành phố không có được: cánh đồng, con trâu, những buổi trưa hè, những đêm trăng, chiều chiều,… chúng tôi đã chơi bạt mạng đến cả khi anh chị phải đi tìm khắp xóm vì trời đã tối mà chưa thấy chúng tôi về, chúng tôi đã khiến cho bố mẹ phải chạy xe máy lên đồng gọi về vì chơi quá sung mà quên mất trăng đã lên, trâu bò cũng cần phải về làng, mà trời tối xuống cũng là lúc chúng ta phải nhường chỗ cho một thế giới khác – trên những cánh đồng!
Mầm non muốn phát triển không chỉ cần mỗi sự chăm sóc của cô! Thời tiết đã đánh chúng những trận tơi bời! Lintang, Mahar, …
Tôi nhớ về thời niên thiếu của tôi, cũng có một cô Mus trong đời tôi, mà đến cả thời điểm hiện tại và mãi về sau, tôi vẫn sẽ nhắc về cô như một vị cứu tinh, “mầm ươm” của cô qua đôi bàn tay chăm bón ấy của cô, nó đang lớn! Tôi thầm hạnh phúc vì những gì cô gieo, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại.
Còn cô Mus – cả đời theo đuổi sự nghiệp giáo dục, cô tự hào về những mầm non mà cô gieo trồng, sự thông minh và những biệt tài, nhưng, mầm non muốn phát triển không chỉ cần mỗi sự chăm sóc của cô! Thời tiết đã đánh chúng những trận tơi bời! Lintang, Mahar, …
Tôi thực sự nể phục bởi sự học mà Lintang theo đuổi, thực sự thán phục trước tài năng bẩm sinh của cậu, trước cây trụ mà cậu đã dựng cho lớp trong khi phần lớn thành viên lớp học rã xuống vì những đồng tiền kiếm được từ làm thuê. Tinh thần ấy, gương mặt và thái độ ấy khiến tôi phải nhìn lại về phía chính mình mỗi khi có chuyện xảy ra, tôi đã không có đủ cương quyết để ngả hẳn về một phía, không đủ mạnh mẽ để nói lên quan điểm và những gì mình đã biết, đã không có một Lintang trong tôi nhưng tôi thấy hình ảnh mà tôi phải hướng đến, sẽ có một Lintang trong tôi.
Thời điểm những chiếc máy xúc, máy đào kéo đến để làm những chuyện phi đạo đức trong ngôi trường không mái ấy, tôi cảm nhận được mọi thứ đang diễn ra ngay khi chứng kiến từng con chữ. Nhưng người phụ nữ kiên cường ấy, đã lần lượt bước qua từng rào cản để chiến thắng uy quyền. Con người bé nhỏ ấy, vì tinh thần quật cường, vì ngọn cờ dẫn lối giáo dục, mà dám dấn thân mình, thử thách mình, thậm chí đó có thể là con đường mà mãi về sau cô không bao giờ được quay trở lại. Sự kiên cường, tấm lòng cao cả trong thân xác của người con gái nhỏ bé ấy đã khiến cho những ông lớn ngoài kia cảm động, mọi chuyện diễn ra như thể chúng không thể nào phụ lòng của một con người đã hết tâm hết sức vì nó.
Cuốn sách khép lại, với cái kết không hề giống như tôi đã tưởng tượng trước đó, Lintang – một cậu bé thiên tài phải vùi mình trong tư bản, kiếm từng đồng tiền nuôi gia đình thay người cha đã khuất, Mahar cũng chẳng khác gì,… Trapani khắc nghiệt hơn, cậu ở trong một viện chăm sóc những đứa trẻ không bình thường, à không “một đứa trẻ bị nhốt trong một cơ thể người lớn”
Những gì tôi đọc được trong cuốn sách này cũng giống như tôi đang thực nghiệm thử sống một cuộc đời với những mối quan hệ hiện tại bên tôi. Tôi lại có thêm thời gian để suy ngẫm về những gì tuần hoàn đang diễn ra, liệu có phải thứ mình muốn đều có thể đạt được, thậm chí ngoài nỗ lực, may mắm cũng là một điều kiện quan trọng để con người đạt được ước mơ của mình, không chỉ có thế, cuộc đời phảng phất ở đâu đó nhiều những mầm non mà xã hội quên mất rằng tuy chúng được sinh ra từ những người lao động bần hàn, không phải thiên tài, nhưng những đứa trẻ đều có thể trở thành những thiên tài. Những chú bé ấy, mỗi đứa một vẻ, những chiến binh cầu vồng ấy, họ đã sống, đã dành cả tuổi thơ để sống, sống thay cho quãng đời còn lại “thiếu sống” của họ.
Cuộc đời phảng phất ở đâu đó nhiều những mầm non mà xã hội quên mất rằng, tuy chúng được sinh ra từ những người lao động bần hàn, không phải thiên tài, nhưng những đứa trẻ đều có thể trở thành những thiên tài.
Bình luận