Chưa bao giờ là quá muộn để chúng ta bày tỏ tình yêu thương đến những người xung quanh mình.
Randy Pausch – một Giáo sư khoa học máy tính nổi tiếng tại đại học danh giá Carnegie Mellon, ông được chuẩn đoán là có 10 khối u ở gan lúc ông mới 47 tuổi, ngay lúc triển vọng về sự nghiệp ở đỉnh cao. Tưởng chừng như ông sẽ sống phần đời còn lại của mình trong đau đớn, dằn vặt, bi quan và tiêu cực. Nhưng tất cả đều trái ngược, ông đã vượt qua nghịch cảnh để rồi cố gắng lạc quan, tận hưởng và làm những gì mà ông muốn cũng như gửi gắm và bày tỏ yêu thương của mình tới những người xunh quanh trong những ngày tháng cuối đời.
Những lo lắng và ước mơ
Thật may mắn, ông có một người vợ hết mực thấu hiểu, yêu thương và luôn đồng hành cùng ông, ông có một người vợ đã gạt bỏ tất cả những định kiến về đàn ông trước đó để kết hôn với ông – người giúp cô tìm lại được tình yêu đích thực. Hiểu rằng, khi biết tin người bạn đời của mình chỉ sống được vài tháng nữa, biết rằng mình sẽ phải chống chọi tất cả trong cô đơn cùng ba đứa con thơ, biết rằng đó là nỗi đau rất lâu mới có thể lành lại, nhưng Jay – người vợ hiền từ ấy vẫn ân cần, nhẹ nhàng và yêu Randy với cách mà ông chỉ còn vài tháng ngắn ngủi để bên cô.
Randy và Jay đã có 3 người con, chúng đều còn rất non thơ và ngây ngô, đứa lớn nhất 5 tuổi, đứa thứ hai 3 tuổi và đứa bé nhất mới chỉ 8 tháng… Điều Randy lo sợ không chỉ là việc ông không thể ngắm nghía bọn trẻ lớn lên trong nhiều năm nữa mà quan trong hơn, ông nghĩ cho tương lai những đứa trẻ – ông thương bọn trẻ, lo rằng sẽ thế nào nếu chúng lớn lên không có sự đồng hành của bố chúng, rồi ai sẽ đưa chúng đi chơi, ai sẽ dạy bảo và ân cần với nó… Ông sợ, bố của chúng sẽ nhạt nhòa trong trí nhớ của bọ trẻ, ông lo rằng rồi chúng sẽ chẳng nhớ gì về bố của nó nữa, bởi vậy là “Bài giảng cuối cùng” là phương tiện cất giữ những kí ức cho bọ trẻ về một người bố yêu chúng hết mực, là bằng chứng để ông lưu giữ những gì về mình với mọi người xung quanh, là cơ hội để Randy chúc mừng sinh nhật Jay lần cuối với sự chứng kiến của hơn 400 người, là lúc để Randy thực hiện trọn vẹn mong ước của mình…
Bài giảng cuối cùng
“Bài giảng cuối cùng” không đơn thuần chỉ là những lời dạy mang đậm chất giáo điều như tên gọi của nó mà sâu xa hơn, cao cả hơn đó là những lời nhắn gửi của một người Thầy, ngời Cha chỉ còn 3 – 6 tháng để sống.
Tôi hiểu cách Randy làm điều đó, ông muốn thời gian còn lại của mình trở nên ý nghĩa hơn, ông muốn bản thân thực sự được sống và làm những điều ông muốn. Khi ông quyết định thực hiện bài giảng cuối cùng, Jay đã không đồng ý, cô muốn ông dành quãng thời gian hữu hạn của quý báu còn lại cho cô và các con thay vì lao đầu vào bài giảng. Nhưng Randy thực sự nghiêm túc với bài gảng cuối cùng ấy ông xem đó là thời khắc cuối cùng trong sự nghiệp của mình, là cách để ông nói lời từ biệt với bạn bè và đồng nghiệp, là nơi để ba đứa trẻ có thề nhìn về bố của chúng,.. và không thể ngăn cản Jay buộc phải thỏa hiệp để chồng mình làm theo những gì ông ấy muốn.
Những lần trúng số độc đắc
Bài giảng có vẻ dài đấy, ông nói về cuộc đời ông, về hành trình ông đi đến ước mơ. Quả thật mà nói, ông may mắn khi trúng một xổ số độc đắc mang tên “bố mẹ”, ông lớn lên trong sự bao dung, chỉ bảo, thấu hiểu, bố mẹ ông muốn ông được tự do làm những gì ông muốn, bố của ông dạy cho ông về những bài học của giá trị, của sự cho đi, của lòng nhẫn nại và cả việc không bao giờ được từ bỏ ước mơ của mình. Nhờ có một người cha vĩ đại như thế, tuổi thơ ông lớn lên với những bài học, những hồi ức đẹp,… kiến tạo con người ông của hiện tại. Nhìn mình, ông lại thương cảm cho ba đứa con, rồi ai sẽ dạy dỗ chúng, ai sẽ đưa chúng đi chơi,… Biết rằng, ông đã từng rất tự hào và hạnh phúc khi có một người cha như thế, rồi bọn trẻ sẽ ra sao nếu không có ông?
Lên đại học, ông may mắn gặp được giáo sư hướng dẫn cho mình – người đã kiên quyết không cho ông dừng sự học lại – người tạo mọi cơ hội để ông bước vào cánh cổng của trường Trường Đại học Carnegie Mellon, là bước đệm để ông thực hiện những hoài bão lớn của mình.
Cũng cơ duyên đó, ông gặp được Jay – cô gái đã “nuốt” thẳng thừng ánh mắt của Randy trong suốt cuộc họp, anh bị cô “tóm cổ” trong lần gặp này. Mặc dù cả hai đã có cơ duyên từ trước đó nhưng bởi sự rụt rè, e ngại nên mãi mới đến lúc này, Randy và Jay mới thực sự nói chuyện với nhau. Sau một thời gian, Jay quyết định theo Randy, Randy có được tình yêu của mình năm ông 39 tuổi, ông đã gạt hết những công việc để tận hưởng tuần trăng mật trọn vẹn bên vợ mình, nếu lúc nhỏ ông từng trúng số độc đắc là bố mẹ của mình, thì Jay chính là con số độc đắc thứ hai của cuộc đời ông, sau này nữa là ba đứa con.
Khi viết về Jay – vợ của Randy, một người phụ nữ luôn yêu thương lắng nghe, chăm sóc và đồng hành cùng ông, người hằng đêm vẫn khóc thầm cho sự đau đớn của ông mà ông không hề biết, ông có một người vợ thương mình vô bờ, một người bạn luôn thấu hiểu và chia sẻ cùng ông. Ông tiếc vì duyên số hai người quá ngắn ngủi, và dù sao đi nữa, ông không muốn Jay phải cô đơn trong những năm tháng không có mình, ông vẫn muốn Jay tìm được hạnh phúc mới sau khi ông ra đi, người có thể thay ông yêu thương và đồng hành cùng Jay, quả là một người đàn ông cao thượng!
Cha và con gái
Tôi đã khóc khi đọc đến những trang cuối, những trang viết về “chút tự sự sau cùng”, ông viết về ba đứa con của mình, viết về người con gái mà ông yêu nhất.
Khi ông viết về từng đứa con, mỗi đứa một vẻ, một nét, một tính cách nhưng ông nắm rất rõ đặc tính của từng đứa một và ông yêu chúng theo cách khác nhau, suy cho cùng, chúng là tất cả tài sản mà ông tự hào nhất. Tôi có thể thấy được ông thương đứa con gái út nhiều nhất, bởi lẽ nó thiệt thời nhất, rồi nó sẽ chỉ được biết về bố nó qua những lời kể của Jay và hai người anh trai, ông chính là người đàn ông đầu tiên yêu thương cô nhiều đến thế, cha và con gái,…
Ông muốn những đứa con của mình được sống với những gì chúng muốn, ông muốn chúng sẽ sống một cuộc đời thật hạnh phúc và vui tươi, ông muốn chúng trở thành con người mà chúng muốn, ông muốn chúng sống thật với ước mơ và không bao giờ được lơ là với ước mơ của mình, ông muốn chúng phải sống hết mình với ước mơ. Bởi lẽ, ông thực sự muốn những đứa con của mình có một cuộc đời thật ý nghĩa.
Tôi cũng có một ông bố như thế, bố tôi không có học hàm học vị GS hay TS, bố tôi chỉ mới tốt nghiệp cấp 3, do ông Nội mất đột ngột nên bố tôi phải gác việc học lại và đi làm thuê, thế nhưng tình yêu mà bố dành cho 4 anh em chúng tôi chưa bao giờ thua kém bậc hàm GS hay TS nào cả. Bố không biết cách nói những lời hoa mĩ, ngọt ngào nhưng những việc làm của bố đủ để tôi cảm nhận được tình thương bố dành cho chúng tôi. Bố tôi không giỏi như Randy, nhưng con của bố may mắn hơn những đứa con của Randy, khi chúng tôi đã lớn lên trong vòng tay của bố, và hiện tại bố của chúng tôi vẫn luôn đồng hành và ủng hộ chúng tôi trên mọi mặt trận, bố vẫn luôn ở đó, âm thầm, lặng lẽ, không ồn ào, bố luôn dõi theo chúng tôi. Tôi biết, dù bố không hỏi, nhưng niềm đau đáu và lo lắng cho chúng tôi ở bố chưa bao giờ là ngưng nghỉ. Bởi lẽ, bố chỉ thực sự an tâm khi biết chúng tôi thực sự không có chuyện gì xảy ra.
Bài học, giá trị nhân văn và yêu thương không bao giờ là quá muộn
Khi đọc “Bài giảng cuối cùng” bạn sẽ hiếm thấy có cuốn sách nào cho bạn những bài học cụ thể như nó, bạn sẽ học được nhiều điều giá trị khi đọc đến gần cuối tác phẩm, nó không chỉ dừng lại ở bản chất là một cuốn tiểu thuyết hay tự truyện, đó là cuốn sách cuối đời của một con người, bạn biết truyện ngắn “chiếc là cuối cùng” chứ? Cuốn sách cũng giống như chi tiết “chiếc lá cuối cùng” mà cụ Behrman đã chống chọi với đêm bão tuyết để vẽ cho Johnsy một chiếc lá thường xuân, cho cuộc đời của cô được tiếp tục, ai biết rằng cả cuộc đời người họa sỹ không có tên tuổi giờ đây lại làm nên một kiệt tác vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình và “Bài giảng cuối cùng” cũng chính là kiệt tác cuối đời của Randy. Chúng ta nên hiểu được là, kiệt tác không phải là thứ gì đó lớn lao cả, nó đơn giản hơn những gì chúng ta vẫn thường hay nghĩ, kiệt tác phải được xuất phát từ trái tim, giống như cách mà Randy Pausch dành tâm huyết cho “bài giảng cuối cùng”.
Khó để tìm thấy ở bất kì một cuốn tiểu sử hay tự truyện nào mà tác giả lại gửi gắm những bài học cụ thể như: không than vãn hãy làm việc tích cực hơn, đừng bận tâm đến những gì người khác nghĩ, biểu tỏ lòng biết ơn,… và nhiều hơn nữa. Đó là những bài giảng, những lời khuyên thực sự cần thiết cho cuộc sống mỗi người, để chúng ta tiến gần hơn đến với ước mơ, để chúng ta sống tốt hơn, ý nghĩa hơn với phần đời còn lại của chính mình.
Thực sự biết ơn cuốn sách này, tôi cảm thấy bản thân mình may mắn khi được tiếp cận đến nó, nó đã đem đến cho tôi nhiều hơn những gì tôi tưởng tượng.
Những lời nhắn gửi, những câu chuyện trong cuốn sách sẽ mãi là những bài học vô giá mà chúng ta khó có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Vậy nên, bạn biết bạn cần phải làm gì rồi đó!
Hãy cho tôi biết cảm nhận của bạn sau khi bạn đọc xong cuốn sách này, tôi đợi thư từ bạn nhé! hello.nplien@gmail.com
Bình luận