Đừng đến bên nhau với phiên bản chúng ta “hoàn hảo nhất”
Đừng đến bên nhau với phiên bản chúng ta “hoàn hảo nhất”, để rồi sẽ rời đi khi chúng ta là chính mình.
Em hỏi tôi, là vì anh ấy đã thay đổi qua thời gian hay chỉ là trong suốt thời gian đầu mới quen nhau, anh ấy đã gắng gượng với phiên bản hoàn hảo nhất để có thể có được cái anh ấy muốn khi đó – là em?
Thật vậy, chúng ta thường cố gắng thể hiện bản thân mình ở phiên bản hoàn hảo nhất khi mới quen. Bước ra khỏi nhà đi gặp nàng là chàng sẽ luôn gọn gàng sạch sẽ, tiền luôn ở mức đầy nhất; Nàng cũng vậy, phải chải chuốt, make-up cả tiếng đồng hồ, nước hoa luôn thơm phức, rồi mới tự tin đi với chàng.
Điều này hẳn là rất bình thường với các cặp đôi mới quen nhau, nhưng cũng có những thứ trong đó, là chúng ta hoàn toàn không thích, mà chúng ta chỉ đang gắng gượng với nó. Ví dụ, vì chàng thích màu xanh, trong khi mình chẳng thích thú gì nhưng mỗi lần gặp chàng, nàng luôn phải diện trên mình bộ cánh màu xanh chàng thích. Hay chỉ vì nàng thích ăn Sushi, chàng thì lại chẳng thể nuốt nổi món ăn đậm đà hương vị xứ sở hoa anh đào, nhưng vẫn phải vui vẻ dẫn nàng vào một nhà hàng Sushi để cùng nàng “tận hưởng” cái món ăn mà mình thấy chán ngấy ở cổ.
Hoặc thậm chí, nhiều nàng đã phải thốt lên rằng, lúc mới quen nhau, chàng chẳng từ chối nàng gì cả, từ việc 11h đêm chạy xe từ Thủ Đức lên Bình Tân để mua trà sữa cho nàng, hay chỉ đơn giản là nửa đêm, sẵn sàng chạy xe cả vài chục cây số chỉ để được gặp nàng.
Được là chính mình mới là phiên bản hoàn hảo nhất
Là con người, chúng ta sẽ tự tin nhất và đích đến cuối cùng, là được làm chính mình – cái này thể hiện rõ trong tháp nhu cầu Maslow với cụm từ Khẳng định bản thân – mặc dù mình chẳng thích cái lý thuyết này cho lắm.
Đó cũng là lý do mà chúng ta thường được khuyên rằng, hãy ở bên cạnh một người mà chúng ta không cần phải gắng gượng và chúng ta có thể tự tin thể hiện là chính mình.
Rõ ràng, hai người sinh ra ở hai nơi khác nhau, lớn lên trong hai điều kiện khác nhau, học tập ở những ngôi trường cũng chẳng giống nhau. Vậy thì làm sao để có thể giống nhau được tất cả mọi suy nghĩ, tính cách hay sở thích. Nên quan trọng nhất chính là sự cảm thông và sự thấu hiểu. Chứ không phải là sự gắng gượng để đáp ứng một nửa còn lại.
Trở nên tốt hơn là một ý nghĩa thực sự tốt đẹp
Đừng hiểu nhầm ý của mình ở xuyên suốt những đoạn trên, mình nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng để thay đổi bản thân cho mình trở nên phù hợp hơn, tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn, đó cũng là lý do mình luôn dùng từ “gắng gượng” ở hai phần trên thay vì từ “cố gắng“.
Nếu vì một ai đó, mà chúng ta có thể (hoặc cố gắng) thay đổi được bản thân mình, để hoàn thiện bản thân mình hơn, thì ắt hẳn, người đó thực sự là một nửa tuyệt vời. Nếu vì nàng, chàng từ bỏ game, từ bỏ thuốc lá; nếu vì chàng thích đọc sách, mà nàng cũng ngày ngày lên thư viện ngồi đọc sách với chàng, thì đó chẳng phải là một điều có ý nghĩa thực sự rất tốt đẹp sao?
Cùng nhau cố gắng, cùng nhau trưởng thành theo nghĩa tích cực. Vì em là động lực cho những nỗ lực của anh, để mong rằng sau này, em có thể mua đồ không cần nhìn giá, tiền tiêu không cần phải nghĩ. Vì anh mà em có động lực để học tập tốt hơn, dậy sớm mỗi ngày, nấu ăn thật ngon. Vân vân và mây mây. Đây mới chính là ý nghĩa thực sự của tình yêu.
Mục đích cuối cùng, mình cũng chỉ muốn nói lại rằng, đừng đến bên nhau với phiên bản chúng ta “hoàn hảo nhất”, để rồi sẽ rời đi khi chúng ta là chính mình.
Bình luận