Chuyện đời Đăng vào ngày

Tại sao chúng ta dễ dàng thỏa hiệp với việc làm sai trái của mình?

Dạo gần đây, khi đọc trên đường băng, tác giả có nhắc đến một vấn đề khôn lỏi nhưng lại vô đạo đức trong cách làm ăn của người Việt mình là, luống ni để ăn, luống ni để bán. Tôi bèn mang nó ra “tranh luận” với anh, một người có vẻ như thích nghị luận xã hội không kém.

Anh bảo, ngay từ những năm 2016, tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” đã được xem là hiện tượng xã hội và bị báo chí phanh phui, lên án cực kỳ gay gắt. Để giải thích cho các bạn sinh sau đẻ muộn như tôi biết chuyện gì đã xảy ra vào 7-8 năm trước, thì nó có nghĩa là trên cùng trên một thửa vườn, người ta sẽ trồng một luống rau sạch, để cho nhà ăn; một luống còn lại sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích, để bán. Và nuôi lợn cũng thế.

Vấn đề anh đặt ra là, tại sao con người ta lại dễ dàng thỏa hiệp với việc làm sai trái của mình mà không thấy hổ thẹn với lương tâm?

Là một người trẻ, tôi không dám khẳng định mình đủ hết kiến thức và trải nghiệm để có thể bình luận một vấn đề lớn lao và có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc trong xã hội nhứ thế này. Nhưng khi trao đổi với anh, tôi có thể đi đến kết luận là, khi chúng ta làm một việc gì đó sai trái, thường sẽ đến từ 2 nguyên nhân.

Chúng ta sai nhưng không biết mình sai

Một là, chúng ta sai nhưng không biết rằng mình sai. Và chúng ta thường dễ dàng ngụy biện cho trường hợp này với một câu cửa miệng, không biết thì không có tội. Bạn kéo cửa xe, ném rác ra đường vì cho rằng đó là một hành động bình thường, nó không sai; bạn rẽ phải tại đèn đỏ vì thói quen ở khu này ai cũng vậy, không ai cấm cả.

Tôi có biết một ông anh từ anh trai của tôi, nhìn chung đó là một người trí thức, có lối sống lành mạnh. Mỗi lần đi café xong đều thấy ông anh ấy tự dọn dẹp bãi chiến trường nào là vỏ hạt hướng dương, nào là bao bì bánh kẹo, nào là ly nhựa gom vào sọt rác. Anh còn bảo tiêu chí mua balo của anh là phải có cái túi nhỏ hai bên, để nếu lỡ đi đâu đó hay dọc đường, có rác gì anh sẽ tuôn vào đó thay vì ném ra đường, vì rất ngượng tay. Tuy nhiên, trong một lần ghé thăm nhà anh ta, tôi thấy một bên bờ tường nhà anh là rác toàn rác, nó làm thay đổi một chút nhân sinh quan của tôi. Cho đến khi anh giải thích, mẹ đang sống chung với gia đình anh, là một người ở quê, nên cứ theo thói quen có rác gì nhỏ nhỏ như là tăm bông, bao nilong, vỏ chuối thì bà sẽ ném vèo qua cửa sổ cho lẹ. Có một vài lần anh cố giải thích cho mẹ rằng việc làm như vậy là sai và sẽ bị người khác đánh giá, nhưng một phần vì thói quen, một phần vì mẹ anh cũng có tuổi rồi, nên không dễ để thay đổi. Có lần mẹ anh còn bảo, “tao vứt trong khuôn viên nhà mình chứ có vứt rác qua nhà người ta đâu, hơn nữa là vứt một bên hông nhà, chứ có ném ra trước mặt tiền nhà đâu, tao làm vậy sáu bảy chục năm rồi, có ai bảo tao sai hay có ảnh hưởng gì đâu, tụi bây cứ làm quá lên”. Nên anh cứ chiều mẹ, dù sao để thay đổi góc nhìn của một người lớn tuổi cũng không dễ dàng gì, rồi cứ cuối tuần hai vợ chồng anh sẽ ra gom dọn vào sọt rác một lần.

Vậy đó, có khi người ta sai, nhưng người ta không biết mình sai, và thường thì chỉ là những lỗi sai “vặt”. Mà đã không biết thì không có tội.

Tuy nhiên, theo như triết lý Phật giáo thì vô minh vốn đã là một cái tội.

Vô minh được coi là nghiệp của thế gian, là gốc của mọi bất thiện và cũng là một đặc tính của Khổ

Để tôi lấy cho các bạn một ví dụ đơn giản nhé, ví tưởng bạn không biết ống pô xe máy đang nóng (không biết), bạn chạm tay hay chân vào nó (hành động), tay chân của bạn sẽ bị bỏng ngay lập tức sau đó hay nó sẽ không bị bỏng vì bạn không biết ống pô đang nóng (kết quả) (mà phải nói là bỏng ống pô là một điều vô cùng khiếp sợ). Kết quả (gọi là nhân) là dù bạn biết hay không biết, nó vẫn sẽ đến ngay khi bạn hành động – gieo nhân, nó không cần biết là bạn có cố tình hay vô tình gieo nhân đó, nó cũng không quan tâm rằng bạn có biết cái nhân bạn vừa gieo là một hạt nhân tốt hay nhân xấu.

Gây ra một lỗi sai để tránh một điều tệ hại có thể xảy ra

Còn trường hợp thứ hai, là người ta gây ra một lỗi sai để tránh một điều tệ hại lớn hơn có thể xảy ra. Với trường hợp này, ngay cả trong pháp luật chính quy, sai sót cũng luôn được xem xét. Cụ thể trong điều 23 – Phạm tội trong tình thế cấp thiết, thuộc bộ luật hình sự 2015, có quy định về việc gây thiệt hại để tránh một thiệt hại khác là sự lựa chọn duy nhất và gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh.

Tuy nhiên, có lẽ lý trí của chúng ta đã áp dụng điều này một cách máy móc, và vấn đề là, chúng ta thường đưa những vấn đề của mình lên trên vấn đề của người khác, vấn đề của xã hội. Việc thiếu tiền của mình quan trọng hơn sinh mạng của người khác; việc gấp phải đi café của mình quan trọng hơn sự an toàn của người khác cùng tham gia giao thông trên đường. Và thường rằng, khi người ta bám theo tư duy này, vì họ không nhìn thấy hậu quả của việc sai mà họ gây ra, họ chỉ thấy kết quả trước mắt.

Đôi khi chúng ta phải làm một điều gì đó sai, để tránh một điều tệ hại hơn có thể xảy ra

Có một câu chuyện mà nhóm bạn của anh vẫn hay truyền tai nhau. Có một cậu sinh viên thường lui tới quán ăn của bà cô đầu hẻm, bà cô sống với đứa con gái nhỏ hơn cậu ta hai tuổi. Và rồi cậu ta quen cô bé ấy. Hết bốn năm đại học, ra trường cậu ta cưới cô gái đó, về ở cùng cô và con gái – người ta gọi là chuyện tình quán cơm. Cho đến một ngày cậu ta nhận được tin mang trong mình mầm mống ung thư dạ dày do sử dụng thực phẩm bẩn trong một thời gian dài, và người đàn ông trụ cột duy nhất của gia đình cô cũng qua đời. Nhìn lại, mẹ cô gái mới thều thào, vì khách hàng của quán cơm nhà cô chỉ có sinh viên và công nhân, nên cơm phải bao no, giá phải rẻ, trong khi giá nguyên liệu nấu bữa ăn thì ngày càng phi mã, nên cô đã chọn những thực phẩm dù biết bẩn, là kém chất lượng, nhưng cô không còn cách nào khác. Tăng giá bán thì khách hàng của cô không thể ăn được nữa; không nấu nữa thì không những gia đình cô mất đi thu nhập mà những vị khách có mức sống hạn chế đã quen ăn quán của cô sẽ không có gì để ăn.

Dù rằng, cái sai của cô bán cơm trong câu chuyện trên, xuất phát từ việc tránh một điều tệ hơn có thể xảy ra, chí ít theo suy nghĩ của cô là như vậy, cô nghĩ đơn giản là với mức giá mà cô bán cho bữa cơm bao no thì chất lượng như vậy được rồi; rồi cô nghĩ, nếu cô không làm vậy thì lấy gì cho người thu nhập thấp ăn, lấy gì để cô mưu sinh nuôi đứa con gái của cô. Nhưng khi đó, cô không nhìn ra xa hơn về hậu quả của cái sai mà mình gây ra, cô chỉ đơn giản nhìn vào tác động trước mắt “không ai ăn cơm nhà cô mà tự nhiên lăn đùng ra chết cả”.

Thoạt tới đây, tôi nghĩ, ngoài kia vẫn còn biết bao quán cơm sử dụng thực phậm bẩn để có được cái giá bình dân bao no, cho nhóm khách hàng chính của quán là công nhân – nguồn lao động chính của đất nước, và sinh viên – những người nắm giữ chìa khóa tương lai của đất nước. Vậy thử hỏi, xã hội đang đối xử với những nguồn lực chính của đất nước như vậy, thì bao giờ Việt Nam chúng ta mới có thể hùng cường, phát triển bền vững?

Vậy đó, chúng ta thường vận dụng ý rằng, chúng ta đang làm một cái sai nhỏ để tránh một hậu quả lớn hơn, nhưng cái “nhỏ” và “lớn” đáng ra nên được định lượng thì chúng ta lại định tính, hoặc có khi chúng ta quên luôn đo lường hậu quả mà việc sai của mình gây ra, vì nó thường đến trễ. Cho nên, nhiều người vẫn sẵn sàng luống ni để bán – phun thuốc, bơm chất kích thích để đầu độc người dùng một cách từ từ, chứ họ không dám bỏ thuốc để hại một ai đó một cách tức thì. Hoặc tệ hơn, chúng ta luôn đặt việc của cá nhân mình lên trên việc của người khác, việc của xã hội, để rồi cho rằng việc của bản thân mình mới là cấp thiết và quan trọng nhất.

Bên cạnh đó,

Vẫn còn một trường hợp khác là người đó là người làm việc sai biết mình sai, và mình làm sai không để hạn chế một điều tồi tệ nào khác, nhưng họ vẫn làm. Ví dụ như đứa trẻ ném đá vỡ cửa kính nhà hàng xóm chỉ vì tinh nghịch hay đang giận dỗi một ai đó. Nhưng việc này không quá phổ biến và không phải là một vấn đề xã hội đủ lớn, đang được đề cập trong bài này.

Tóm lại, cho dù với nguyên nhân nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng đang tự lừa dối chính chúng ta một cách (hoặc bằng cách) rất vô tri.
Hoặc là chúng ta phải nâng cao nhận thức của chúng ta để biết rằng có những thói quen là xấu, là cần phải từ bỏ, có những thứ tưởng như “thường” nhưng nó là sai. Hoặc là chúng ta phải nhận thức được rằng điều tồi tệ mà chúng ta lo sợ sẽ xảy ra có thực sự là một điều tồi tệ, hay vì cái sai nhỏ của chúng ta gây ra mà nó còn tạo ra những điều tồi tệ khủng khiếp hơn – chỉ là nó đến sau, muộn hơn. Chung quy lại, chúng ta luôn cần phải học hỏi và trau dồi thêm, để không mắc phải những sai lầm trong việc thỏa hiệp với những cái sai của chúng ta.

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận