Người trẻ – Nên về quê hay ở lại Sài gòn?
Anh hỏi tôi là muốn sống ở quê hay ở Sài gòn hơn, thành thật mà nói, tôi cũng chẳng biết nữa. Là một đứa sinh viên năm Hai, có nghĩa là tôi mới sống ở thành phố hoa lệ này được hơn một năm, chủ yếu thời gian là ở trường và ở phòng, thỉnh thoảng đi café trà sữa, đi chơi, đi ăn; cho nên để mà có được sự so sánh đầy đủ thì tôi chưa thể nào đưa ra chính xác, tôi biết được chắc chắn giá trị ở quê, đó là có bố mẹ, có em gái tôi và có làng xóm nữa, còn giá trị ở Sài gòn đối với hầu hết những đứa sinh viên như tôi, là được học ở một môi trường tốt hơn, cuộc sống tiện nghi hơn, muốn mua gì, ăn gì, chơi gì đều rất dễ dàng, nhưng nó cũng chật chội và đắt đỏ quá chừng. Thông qua anh, qua anh trai tôi và qua một vài người tôi được gặp gỡ ở Sài gòn, họ bảo, Sài gòn mang lại cơ hội công việc nhiều hơn và quan trọng sau độ 10 năm ăn học và làm việc ở chốn này, họ dần quen với Sài gòn hơn. Tôi hỏi lại anh, vậy anh muốn về quê hơn hay ở Sài gòn hơn?
Là một người trẻ, anh bảo, là tình trạng chung của hầu hết những người trẻ như anh, nửa muốn bôn ba nửa muốn về nhà, nửa muốn về quê nửa lại muốn ở lại Sài gòn.
Sài gòn, nó mang lại cho anh cơ hội kiếm tiền, cơ hội học tập, cơ hội gặp gỡ và mở rộng mối quan hệ. Nhưng dường như nó chỉ phù hợp để cày cuốc kiếm tiền, chứ không phải là một nơi tốt để sống. Những người trẻ thi thoảng lại muốn xách balo lên và đi theo ánh mặt trời, muốn bỏ hết tất cả để về quê nuôi cá và trồng thêm rau – không phải ngẫu nhiên mà nhạc Đen Vâu trở nên phổ biến trong lớp trẻ và anh trở nên thành công đến vậy, tôi khá chắc rằng nhạc của anh đã chạm đúng cái cảm và cũng là mong muốn của thế hệ trẻ trong giai đoạn giao thời này – đó là khi họ bị áp lực của Sài Gòn hoa lệ đè nặng trên đôi vai, đó là lúc họ đã cố gắng rất nhiều để đáp ứng và chạy theo kỳ vọng của mọi người khi mình xách balo đi học ở Sài Gòn, nhưng sau tất cả, họ cũng chẳng dư giả được gì nhiều, vòng xoáy cơm áo gạo tiền, vòng xoáy tiền bạc, vòng xoáy của các mối quan hệ khiến họ dù kiếm được nhiều tiền hơn như chi tiêu cũng nhiều hơn, có những buổi ăn nhậu, có những người họ gặp chỉ mang tính xã giao, chẳng thể tối lửa tắt đèn có nhau như ở nhà, cho nên ở Sài Gòn, người ta quý nhau lắm khi tìm được cho mình một mối quan hệ chân thành. Thậm chí, đó cũng có thể là khoảnh khắc sau chuỗi ngày dài vươn mình leo lên đỉnh vinh quang, dưới ánh mắt ngưỡng mộ của xã hội, họ chỉ mong muốn có một chốn an yên để chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua.
Nói như vậy có vẻ như thiếu thiện cảm với Sài Gòn, mà quên mất rằng, một buổi chiều trên sân thượng nhìn xuống đường dòng xe đang hối hả, ánh đèn đường hiện lên sau khi hoàng hôn buông xuống, hay ngồi trên bãi cỏ ngắm những cánh diều đủ màu sắc bay lượn trên không trung, chẳng phải cũng tuyệt lắm sao. Đó là chưa kể đến, Sài Gòn cho chúng ta một cuộc sống hiện đại hơn, tiện nghi hơn, phong phú hơn, đặc biệt, nơi đây có những cuộc tình, có anh và có tôi.
Tôi đang suy nghĩ về những thứ chung chung nhất, phổ thông nhất, chứ tôi vẫn biết có nhiều người ở Sài Gòn nhưng cuộc sống của họ lại vô cùng an yên không khác gì ở quê, khi họ ở trong những căn biệt thự sân vườn rộng cả ngàn mét vuông và cũng có những con người về quê nhưng áp lực không kém cạnh Sài Gòn là bao, khi họ quyết tâm khởi nghiệp trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.
Người trẻ đứng giữa những lựa chọn là vấn đề của thời đại, mênh mông và vô định, vì những áp lực xã hội đặt lên vai họ, họ được ăn học tốt hơn, có điều kiện sống tốt hơn, nên không sai khi họ được kỳ vọng nhiều hơn, thế nhưng, tôi cho rằng chúng ta hãy dành một ánh nhìn cảm thông hơn khi mà họ đang sống trong thời kỳ đổi mới, mọi thứ thay đổi quá nhanh, phát triển hơn cũng có nghĩa là cạnh tranh hơn, điều kiện tốt hơn cũng có nghĩa là chi phí cao hơn, lạm phát cao hơn, mức sống yêu cầu cao hơn. Đừng quá xét nét hay quá khắt khe với người trẻ, hãy cho họ cơ hội được lựa chọn, lựa chọn theo đam mê, sứ mệnh cuộc đời của họ.

Nếu hỏi nên về quê hay ở lại Sài Gòn? Con người ta ấy mà, cả thèm chóng chán lắm, ngay cả chơi, chơi hoài cũng chán, vì theo như tháp nhu cầu Maslow, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi chúng ta cố gắng chứng minh được năng lực của bản thân mình và cũng như là khi chúng ta cống hiến hết mình để nhận được sự ghi nhận của xã hội. Có thể trong nhất thời, chúng ta muốn về quê, nhưng lại nhớ ra lý do tại sao chúng ta đã chọn gắn bó với Sài Gòn một thời gian dài đến thế. Đừng để sự bộc phát nhất thời quyết định cả chặng đường dài phía trước.
Cuối cùng, anh bảo rằng, về quê hay ở lại Sài Gòn, đó không phải là một câu hỏi, mà đó là cả một lý tưởng sống, cho nên câu hỏi phải là, nếu về quê chúng ta muốn làm gì hay nếu ở Sài Gòn chúng ta muốn sống như thế nào. Đây chính là mục đích sống của mỗi chúng ta, chúng ta có những mục đích riêng, và chúng ta sẽ có những con đường riêng, lựa chọn riêng để cố gắng theo đuổi mục đích đó, hoàn thành sứ mệnh nhiều lần mười năm này.
Còn bạn, nếu không vướng bận cơm áo gạo tiền, bạn sẽ chọn sống ở đâu? Như thế nào?
Bình luận