Natsukashii – 懐かしい
Natsukashii thường được dịch là “hoài niệm”. Tuy nhiên, khác với khi chúng ta nói về sự hoài niệm là nhớ về những nỗi buồn, những điều làm chúng ta tiếc nuối, thì “natsukashii” trong tiếng Nhật lại gắn liền với những kỷ niệm vui và hạnh phúc, cảm xúc mà chúng ta có thể mỉm cười khi nhớ về.
Mỗi một đời người, với mỗi chặng đường đi qua đều để lại những kí ức khó quên, đó là những bước chân chập chững buổi đầu tập đi, sự háo hức của những người chứng kiến, niềm vui mừng của bố mẹ, sự hãnh diện của ông bà. Đến lúc ta biết nói, những câu ú ớ đầu đời: “bà, bố, ạ,..” do dễ phát âm nên chủ yếu đó là những tiếng nói đầu tiên, có thể trong phút nào đó ta làm mẹ buồn chỉ vì sự khó khăn không phát lên tiếng “mẹ”. Nhưng lòng mẹ bao dung, mẹ hạnh phúc khi con biết nói hơn những gì con chưa nói được.
Lớn lên ta mới biết, tiếng “mẹ” khó phát âm là bởi, tạo hóa để cho chúng ta rèn luyện và học từ từ, tiếng “mẹ” quả thật không dễ dàng gì để phát âm trong khoang miệng mỗi đứa trẻ tập nói, nhưng sau này chúng ta luôn dùng nó bất cứ lúc nào chúng ta cần được bảo vệ. Khi trời mưa, chúng ta vừa chạy dưới mưa vừa gọi mẹ; khi ai đó đánh ta, tiếng ta kêu lên bên cạnh chữ “đau” là “mẹ ơi”, khi vô tình bị giật mình, chúng ta cũng tự nhiên bật thành tiếng “mẹ ơi”. Tiếng “mẹ” trở thành phản xạ tự nhiên của hầu hết nhưng đứa trẻ bất cứ khi nào chúng cần được bảo vệ, cần được vỗ về, che chở hay cần được sẻ chia. Và mẹ – trở thành một miền kí ức đẹp đẽ trong thâm tâm của mỗi đứa trẻ. Thế nhưng, không phải ai cũng được gọi Mẹ, có những đứa trẻ cô độc cả đời chẳng được gọi mẹ dù chỉ một lần, chúng hoàn toàn “mù màu’’ khi nói về miền kí của mẹ và không hề có natsukashii khi nói về tiếng mẹ.
Những kí ức về buổi đầu bước chân vào mẫu giáo, vừa đi vừa khóc, ngoái nhìn lại, mẹ đứng sau cánh cổng trường hất tay: “vào đi con, các bạn ở trong kìa, cô giáo đợi con kìa”,… nỗi nhớ nhung cũng bắt đầu lấn át đứa trẻ mẫu giáo ngơ ngơ chưa từng rời xa mẹ, nhưng có lẽ giờ nhìn lại chúng ta chỉ nhớ những kí ức đẹp đẽ, là lúc mẹ ân cần, dậy sớm chuẩn bị bữa sáng rồi lóng nhóng đứa chúng ta đến trường, là nhìn lại bản thân của sự ngô nghê, của chút trẻ con mà mãi mãi chúng ta chẳng thể nào lấy lại được – đó gọi là natsukashii.
Kỷ niệm – nó đẹp, không chỉ là bởi chúng đẹp, mà là bởi chúng cho ta nhìn lại một thời đã qua; kỷ niệm – nó vô giá, là bởi chúng chẳng bao giờ quay trở lại…
Trong tâm trí của mỗi người, kỷ niệm nó chỉ tồn tại dưới dạng cảm xúc, đó là sự hối tiếc, là niềm vui, nỗi buồn, đó cũng là sự hạnh phúc hay sự trân trọng. Cảm xúc thì có tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, trong một của chúng ta, kỷ niệm lại thường được gắn liền với những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Đó là sự nới tiếc vì những gì đã qua, đó là những nỗi buồn đã dày xé tâm can chúng ta. Và bạn cứ để ý đi, khi bạn buồn, chúng ta thường hoài niệm về chuyện buồn nhưng khi chúng ta vui, chúng ta thường mải miết với niềm vui hiện tại.
Tôi thì chẳng cực đoan đến nỗi để nói với bạn rằng hãy bỏ qua hết những ký ức tiêu cực để lưu lại ký ức tích cực thôi đâu, nhưng thử hỏi mà xem, chúng ta được gì khi chỉ nghĩ hoài về nỗi buồn, sự tiếc nuối – Là những đêm không sâu giấc, là lòng nặng trĩu, là chẳng thể mỉm cười một cách tự nhiên…
Chính bởi thế mà, thay vì cứ đoái hoài nơi những niềm buồn, nỗi đau, tại sao chúng ta không hoài niệm theo kiểu natsukashii về những ngày nắng vui đùa bên lũ bạn, là những đêm trò chuyện bên mọi người, dù đã qua nhưng nó đáng để chúng ta nhìn lại gấp ngàn lần so với những thứ đã làm tổn thương chúng ta.
Khi nhớ về một người đã mất, thay vì cứ đau đớn về sự ra đi cùng nỗi đau bệnh tật của họ, sao ta không nhớ về khoảng khắc hai nguời gặp nhau, những chuyện mà hai người đã trải qua, thế có phải là đáng quý hơn nhiều không? Dẫu biết rằng, sự tri ân là điều gì đó rất đỗi thiêng liêng nhưng hãy để người đi, đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản, hãy để người ở lại thay vì nhớ thương hãy cảm ơn vì hai người đã gặp được nhau và những gì cả hai đã dành cho nhau.
Cuộc đời của chúng ta còn dài lắm và trái đất này vẫn cứ rộng như vậy, người chúng ta gặp sẽ còn nhiều hơn nữa. Người đến rồi cũng sẽ có người đi, người đi cũng có người ở lại, chúng ta chẳng thế trách cứ ai, bởi đó là vòng tuần hoàn của cuộc sống. Đừng trách người ta bỏ rơi bạn, cũng đừng buồn vì người ta đi ra khỏi cuộc đời bạn. Hãy cảm ơn họ, vì đã đến bên bạn, cho bạn những kí ức đẹp đẽ chẳng thể nào quên.
Những kí ức, hãy xem nó như những dấu mốc, rằng ngày hôm đó mình đã vui thế nào, rằng lúc đó sung sướng ra sao, mãn nguyện nhường nào, rằng mình đã từng có những thời khắc như thế!
Kỷ niệm sẽ chẳng bao giờ quay trở lại, chúng sống trong thâm tâm của mỗi người, lớn lên và trưởng thành theo thời gian, sự già cỗi cũng phần nào đó khiên chúng ta chẳng thể nào nhớ nổi hết những gì mình đã trải qua, thậm chí đến hiện tại tôi chẳng nhớ nổi bằng cách nào mình cất lên được tiếng “mẹ”. Và rồi, sẽ có nhiều hơn nữa những chuyện chúng ta phải quên, nhưng trước hết hãy quên đi những nỗi buồn để chỗ cho niềm vui, sự hạnh phúc, để con người được thanh thản, nhẹ nhàng; để trái tim ra đỏ hơn, tươi vui hơn; để cuộc sống của ta đáng sống hơn, ý nghĩa hơn.
Kỷ niệm, vẫn sẽ mãi là kỷ niệm và sẽ chẳng bao giờ quay trở lại
Vì kỷ niệm chẳng bao giờ quay trở lại, nên tôi thật sự rất thích một câu nói của tiểu thuyết gia người Mỹ Mark Twain là “hai mươi năm sau bạn sẽ hối hận vì những gì bạn không làm, hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn”. Vì vậy, cho nên ngay ngày hôm nay, chúng ta phải dám làm những gì chúng ta thực sự muốn làm, để sau này, khi hoài niệm lại, chúng ta có thể mỉn cười đón nhận nó, kể lại nó như đích thực một natsukashii.
Tôi – bạn, tất cả chúng ta đều có cho mình một khoảng lặng – nơi lưu giữ những chuyện thầm kín của cá nhân, đương nhiên, chỉ chúng ta biết! Nhưng nó không đồng nghĩ với việc bạn muốn giữ gì thì giữ, những nỗi buồn, sự hối tiếc sẽ ăn mòn trái tim bạn lúc nào không hay, nó sẽ khiến bạn ngày một thờ ơ, vô cảm với niềm vui của cuộc sống, thậm chí nó còn đẩy bạn tới một nơi thảm họa hơn – nơi chẳng có chỗ cho nụ cười. Những ký ức đẹp đẽ, là niềm vui, là hạnh phúc, là sự sung sướng mãn nguyện, những thứ đó cần được lưu giữ. Lòng chúng ta rộng nên cứ thoải mái lưu trữ nhưng thứ này lại một góc, để rồi một ngày nào đó, khi đối mặt với cuộc sống có xô bồ và khắc nhiệt, chúng ta vẫn sẽ kiên cường và tin rằng chúng ta đã từng trưởng thành bằng niềm vui, bằng lòng vị tha, bao dung, bằng trái tim ấm, bằng sự tử tế.
Khi nghĩ về một người, người ta luôn mỉm cười kể lại chuyện quá khứ, người ta toàn nói về những ký ức đẹp đẽ của bản thân cùng những người họ đã gặp, họ không những toát nên khí chất của một người thoải mái, vui tính, mắt họ không những long lanh mà bên trong họ, tấm lòng ấy ẩn chứa sự khoan dung, nhân ái sâu sắc
Cách hoài niệm về quá khứ có thể thấy được chúng ta có thực sự đang hạnh phúc hay không? Là nỗi đau, sự suy tư, trầm lắng hay lòng nhiệt huyết, sự hứng khởi và yêu đời!
Chuyện đã qua, lẽ dĩ nhiên chúng chẳng bao giờ quay trở lại. Hãy tận hưởng hiện tại thay vì cứ dằn vặt, đổi lỗi cho quá khứ.
Chuyện đã qua, lẽ dĩ nhiên, chúng ta coi đó là kỷ niệm. Hãy kể cho nhau nghe những gì đẹp đẽ thay vì cứ là nỗi buồn, là niềm đau.
Cuộc sống nằm trong tay bạn, bạn chẳng thể nào mà đột ngột mất trí nhớ được, kí ức vẫn còn đó, cũng chẳng ai cấm bạn hoài niệm cả nhưng hãy để mỗi lần như thế, cho đáng. Và hãy nhớ tạo cho bản thân mình những khoảng thật tươi đẹp, thật can đảm ở hiện tại, để cho sau này, nhìn lại quá khứ, hoài niệm thật đẹp biết bao.
Bình luận