Chuyện đời Đăng vào ngày

Khi em làm sai mà không còn ai nhắc nhở em nữa thì có nghĩa họ đã bỏ rơi em

  • Em nhớ ăn uống vào nhé, không được bỏ bữa đâu đó!
  • Khi ăn chụp hình gửi ngay cho anh!
  • Sao em giờ mới về?
  • Em làm gì mà cứ thức khuya hoài vậy

Đứa bạn thân của tôi cho tôi xem những tin nhắn như vậy từ người yêu của nó.
Với một đứa thích được tự do như tôi thì cảm thấy vô cùng gò bó và khó chịu, thậm chí là có chút phiền, nó dường như cản trở mọi dự định và niềm “ham vui” của tôi. Nhưng đối với đứa bạn tôi lại khác, nó cho rằng đó là sự quan tâm, là sự lo lắng, mà chỉ khi còn yêu, còn thương anh ta mới cáu gắt và thường hay nhắc nhở như vậy.

Tôi cũng từng bị mẹ nhắc nhở vì đi chơi cả đêm hôm, hay học bài tới tận 1-2h sáng, không ăn uống đủ bữa, hay ngủ tới tận trưa mới dậy. Dù bây giờ đã là một cô sinh viên năm hai, đi học xa nhà cả ngàn cây số, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những lời nhắc nhỏ như vậy từ mẹ. Tôi đã từng cảm thấy rất khó chịu, cau có hay “phiền thế nhỉ” khi bị nhắc nhở. Nhưng mẹ bảo tôi, ra ngoài đời kia, con có làm sai vậy hay sai hơn thế nữa, cũng sẽ chẳng ai nhắc nhở con đâu, chỉ có người yêu thương con, lo cho con thực sự thì người ta mới nhắc nhở con từ những cái sai nhỏ nhặt nhất, để mong muốn cho con trở nên tốt hơn. Chứ người dưng, bố mẹ nào có la mắng hay nhắc nhở, vừa khiến người ta khó chịu về mình, vừa rước thêm cái bực mình vào thân đâu!

Mẹ tôi nói đúng, chẳng có ai lại “rảnh công” đi nhắc nhở người khác nếu người đó không quan trọng với mình, như cách nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng từng nói “chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe, nhất là sự giả dối”. Vì chẳng ai dại gì mà nói với một người mình không quan tâm về những vấn đề mà họ không thích nghe cả hay khi nhắc nhở nhau cái gì, người ta lại sợ người được nhắc nhở sẽ trở nên tốt hơn mình. Cụ thể là trong cái xã hội thu nhỏ của tôi, là một cô sinh viên năm hai, người ta cũng chẳng thèm nhắc nhở nhau đâu. Dù mình có ôn sai đề cương, làm sai bài, thì mọi người cũng chỉ lẳng lặng bước qua, họ không muốn ai hơn họ cả, hay chỉ đơn giản là không muốn bị liên lụy. Bởi thế mà, nếu đó chỉ là một mối quan hệ xã giao xã hội, tôi nghĩ chúng ta nên chiều lòng họ, nói những gì họ thích nghe và làm “mát tai” họ. Lẽ dĩ nhiên, điều chúng ta muốn là người khác có ấn tượng đẹp về mình, thêm nữa đó là chúng ta không hề có ý định “rước họa vào thân” từ những câu nói “không mất tiền mua” ấy cả. Để từ đó ta biết được rằng, không ai lại rảnh rỗi nhắc nhở chúng ta từng thứ cặn cẽ, chỉ có những người thực sự quan tâm ta, muốn ta được tốt hơn mà thôi.

Lúc nhỏ, tôi còn cho rằng bố mẹ nhắc nhở chúng ta là vì bố mẹ muốn thể hiện quyền uy của bậc phụ huynh đối với con cái, nhưng sau này, tôi mới hiểu, đó chính là tình yêu thương xuất phát từ tận đáy lòng. Cũng như trong mọi mối quan hệ xã hội, chỉ có tình yêu thương thực sự, thì người ta mới quan tâm lẫn nhau, mới nhắc nhở nhau trước những cái sai của nhau. Chỉ có điều khác là, bố mẹ thì sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Năm lớp 10, tôi đã đưa ra một quyết định là mình sẽ không ôn thi học sinh giỏi nữa, vì kết quả thi năm lớp 9 của tôi không được mấy thành công, ít nhất là đối với bản thân tôi, tôi nghĩ là thế. Tôi bỏ bê tất cả, tôi không tham gia lớp luyện thi của cô, tôi trở nên chán nản và ham chơi hơn. Nhưng thật may mắn, tôi có một cô giáo tuyệt vời, cô đã không bỏ rơi tôi, cô luôn khuyến khích và động viên tôi, nhắc nhở tôi từng nét chữ, từng lỗi chính tả, từng dấu chấm câu hay viết bút gì để chữ nhìn gọn hơn, đẹp hơn,… Chính những sự nhắc nhở đó của cô, mà tôi đã vượt qua được chính bản thân mình, trở thành một con người mới với những hoài bão lớn lao mà tôi nghĩ bản thân mình sẽ chẳng thể nào có được nếu như ngay từ đầu cô giáo đã bỏ mặc tôi.

Bên cạnh cái thế giới thu nhỏ của một đứa sinh viên năm hai, thi thoảng anh vẫn hay kể cho tôi nghe về thế gới lớn hơn ở ngoài kia. Anh kể cách đây hơn một năm, anh nhận được một offer tốt hơn kha khá so với vị trí lúc bấy giờ của anh, từ thu nhập cho đến công việc, nhưng khi đó, thứ anh tiếc nhất nếu phải nhảy việc, đó là một người sếp tốt. Một người nhắc nhở anh từ việc ăn uống, nhắc anh cách dùng dao dùng nĩa, nhắc nhở anh cách bắt tay, nhắc anh sửa từng câu chữ trong email, tất nhiên anh đủ lớn để biết cảm ơn thay vì thấy khó chịu vì những lời nhắc nhở đó. Trong khi đó, nếu anh nhận offer mới, anh chỉ thực hiện một giao dịch thị trường cho một loại hàng hóa đặc biệt theo kinh tế Marx Lênin – đó là sức lao động, anh không cảm nhận được từ người quản lý trực tiếp sẽ cho anh những bài học quý giá hay sẽ nhắc nhở anh trong những công việc thường ngày. Và anh đã quyết định ở lại, tới bây giờ anh khẳng định, rằng anh đã đúng.

Quay trở lại với câu chuyện của đứa bạn thân tôi, các bạn nhận ra hai vấn đề ở trên không? Vấn đề của người yêu nó – là người gửi đi những sự quan tâm, lời nhắc nhở – là những tin nhắn được xuất phát từ những thứ được gọi là cảm xúc. Trong khi phân tích ở vế sau về sự gò bó, sự khó chịu và không gian riêng, đó là phân tích bằng lý trí. Mà lý trí và cảm xúc, thì rất khó để tìm được một điểm chạm. Chúng ta chỉ có thể cố gắng cân bằng nó, chứ không thể để duy trì chúng chạy song song với nhau.
Cho nên đứa bạn tôi nói đúng, một khi mày sai mà người ta không buồn nhắc nhở mày nữa, đó chính là lúc người ta đã bỏ rơi mày, và mày chính là người bị bỏ rơi đấy.

Một lời tán dương khi chúng ta làm đúng và những nhắc nhở cho những cái sai của chúng ta

Chúng ta luôn như vậy, khi chúng ta “được” nhắc nhở thì chúng ta cho rằng “bị” nhắc nhở, để rồi khi mất đi, chúng ta lại cố gắng kiếm tìm, nhưng chúng ta phải biết rằng những lời nhắc nhở luôn xuất phát từ chính sự quan tâm, xuất phát từ thứ tình cảm chân thành, thì một khi mất đi, chúng ta mãi mãi cũng không tìm thấy nữa, không tìm thấy ở một nơi nào khác.

Tôi đã khẳng định với bạn ở trên rằng chỉ có những người thực sự quan tâm ta mới “rảnh” đi nhắc nhở chúng ta hay chúng ta chỉ nên đối xử “xã giao” với những người không thực sự quan trọng. Nhưng điều khiến tôi day dứt chính là, ở một nơi nào đó, nơi những toan tính, ganh đua, xảo trá và sắp đặt được đề cao; nơi mà ngay cả những người thân thiết, thậm chí là ruột thịt thì những lời nhắc nhở chính là phương tiện để họ tìm cách hại nhau. Nghe có vẻ hợp lí đấy, có vẻ sướng tai đấy, có vẻ họ khá quan tâm đến chúng ta đấy. Nhưng đâu biết được, cái mắc “người nhà” chỉ là bệ đỡ cho những toan tính để đẩy nhanh “tiến trình” của họ mà thôi, đằng sau đó còn ẩn chứa bao nhiêu “âm mưu” nhằm kéo chúng ta xuống, để “mở đường” cho họ đi lên.

Một lời tán dương, một tràng vỗ tay khi chúng ta làm đúng thì thật dễ dàng, nhưng để có một người nhắc nhở cho những cái sai của chúng ta, thì quả là một điều không dễ dàng gì. Dù rằng lời nhắc nhở thường khó nghe hơn lời tán dương, và con người chúng ta, một giống loài có bộ não được thiết kế để thích được nuông chiều cảm xúc bằng những lời khen, thay vì chê. Cho nên chúng ta thường dễ dàng đánh mất đi những người quan trọng và rồi lại cho rằng mình bị bỏ rơi. Nhưng chỉ khi mất đi, người ta mới trân trọng những gì mình đã từng có.

Mình là một người con xứ Nghệ, hiện đang học ngành Luật kinh tế (K38) tại trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Mình ưa thích viết lách và chia sẻ ...xem thêm

Bình luận