Học cách buông bỏ
Tôi có một con chuột (máy tính) loại có dây. Từ ngày chuyển qua dùng chuột không dây, tôi chẳng thèm nhòm ngó tới nó nữa, và cũng chẳng biết cho ai – vì cũng chẳng ai quanh tôi là cần nó. Nhưng vứt đi thì lại không nỡ. Tôi đành quăng nó để vào một xó dưới bàn học, với suy nghĩ rằng, biết đâu một ngày nào đó mình cần dùng tới nó. Tuy nhiên, đến một ngày, những món đồ như con chuột có dây đó ngày càng nhiều, cái xó ấy trở nên bừa bộn và lộn xộn, nên tôi quyết định ném nó đi chung với đống trước nhà. Ngăn nhỏ ấy lại trở nên sạch sẽ và gọn gàng.
Tôi giữ lại chiếc hộp đựng laptop của mình trong ngăn tủ, không phải là để sau này bán lại được giá hơn, mà bởi vì tôi thấy nó đẹp. Nên tôi không nỡ vứt nó đi. Ngày qua ngày, nó trở nên hoen ố, mục nát. Và cuối cùng thì tôi cũng cho nó vào sọt rác trong một ngày dọn dẹp nhà. Ngăn tủ trở nên trống trải, tôi có thể đựng thêm các món đồ mới.
Tôi được chia sẻ một bộ tài liệu rất hay về an toàn lao động, nhưng tôi không-hoặc-chưa cần dùng đến. Thậm chí từ lúc copy nó vào ổ cứng, tôi chưa từng mở nó lên dù chỉ một lần. Ngày này qua tháng khác, tôi vẫn để đó vì nếu xóa đi thì sẽ rất là tiếc, biết đâu một lúc nào đó mình sẽ cần dùng tới, hay ai đó cần dùng tới và mình có thể cho họ. Cho đến khi, tôi đang copy một bộ phim mới vào ổ cứng, thì ổ cứng báo dung lượng đã đầy. Tôi lật đật “review” lại các folder trong đó, tôi quyết định xóa folder chứa bộ tài liệu đó. Và tôi đã giải phóng được một khoảng không gian kha khá để có thể tiếp tục lưu trữ những thứ mới và hay ho hơn.
Tôi có một vài fanpage, một vài website, một vài blog. Dù chỉ có vài tương tác nhỏ giọt, một vài top keywords. Nhưng tôi không đành lòng xóa nó. Nhưng mỗi lần đăng nhập vào, nhìn cả mớ fanpage trên thanh quản lý, nhìn cả mớ website/ blog đang ở trạng thái running. Tôi buộc phải bấm nút [delete] để cho mọi thứ trở nên trống trãi và dễ dàng hơn.
Tất nhiên đứng ở một phương diện ngược lại, việc giữ lại những thứ như con chuột, chiếc hộp laptop, tài liệu an toàn lao động hay các trang blog nó còn có ý nghĩa là kỷ niệm, là sưu tầm – hay là những giá trị vô hình. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết liệu rằng có “đáng” để níu giữ nó hay khi nào chúng ta nên buông bỏ nó, để dành vị trí cho những thứ mới hơn.
Cũng như… tôi có một vài mối quan hệ mà tôi thường gắn cho nó một lời nói dối tuyệt vời rằng “nó vẫn tốt đẹp“. Nhưng cũng đến lúc tôi – chúng ta phải nhận ra rằng quỹ thời gian của mình sắp hết, và tôi buộc phải buông bỏ, buông bỏ để thấy cuộc đời tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Buông bỏ để tìm những thứ ý nghĩa thự sự, những mối quan hệ thực sự xứng đáng hơn.
Cám ơn tất cả bởi đã từng, dù rằng cuối cùng cũng phải nói lời tạm biệt.
Bình luận