Bỏ rơi trẻ em, tội ác hay hoàn cảnh?
Lời mở đầu
“Từ nhỏ em đã không có gia đình rồi!” – lời tâm sự của một cậu bé mới sáu tuổi khiến bản thân tôi không ngừng trăn trở. Điều gì đã xảy ra với cuộc đời và số phận cậu bé? Nguyên nhân nào khiến cậu thành ra thế này? Và liệu có phép màu nào để cậu được trở về trong vòng tay của cha mẹ?
Một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay, đó là các trường hợp bỏ rơi hay nói cách khác là “vứt bỏ” đứa con của chính mình ngay từ lúc chúng mới được sinh ra. Xuất phát từ đâu mà những đấng sinh thành lại nhẫn tâm làm điều “dã man” ấy? Thử hỏi những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ ra sao nếu thiếu đi vòng tay bao bọc của bố mẹ hay sẽ ra sao nếu tử thần cướp đi mạng sống của chúng?
Lương tâm người làm cha, làm mẹ liệu có thanh thản, nhẹ nhàng khi đã “thỏa mãn” được điều đó? Liệu cuộc sống của họ có tốt hơn khi vứt bỏ được “gánh nặng” ấy?
Với tất cả các trường hợp, dù vì bất cứ lý do gì thì hành động bỏ rơi con vẫn là một hành vi vi phạm pháp luật. Đây được xem là một hình thức xâm hại nghiêm trọng tới quyền được sống của trẻ em.
Và pháp luật sẽ xử lý ra sao đối với những trường hợp như thế này?
Những chế tài mà pháp luật đưa ra liệu có đủ sức răn đe, sắc sảo để những trường hợp này không được xảy ra nữa?
Nguyên nhân
Sinh ra được một đứa bé là điều hết sức thiêng liêng, nhưng lại có không ít trường hợp vì chưa sẵn sàng với việc làm cha mẹ nên đã có hành động bỏ rơi con cái của mình. Đây có phải là một hành vi vi phạm pháp luật? Mỗi con người chúng ta từ khi sinh ra đều có quyền được sống, vậy mà có những con “người” lại nhẫn tâm tước đi quyền được sống của những sinh linh bé nhỏ ấy! Hành động này không chỉ gây tranh cãi về mặt đạo đức mà nó còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Từ bao đời nay, tình mẫu tử luôn được coi là tình cảm thiêng liêng, quý giá nhất. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng bỏ rơi trẻ em đang ngày càng gia tăng thì liệu vẻ đẹp truyền thống ấy còn được giữ nguyên vẹn cho đến ngàn đời sau. Không hiếm để thấy trên báo chí, mạng xã hội thông tin về việc một trẻ em bị bỏ rơi trong bệnh viện, trước cổng chùa và thậm chí ở bãi rác, khe tường hay hố ga trong thời tiết khắc nghiệt dẫn tới hậu quả hết sức thương tâm. Dư luận phẫn uất đối với những người mẹ vô cảm, mất nhân tính khi bỏ rơi chính đứa con mình rứt ruột đẻ ra.
Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan đều quy định trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho con của cha mẹ. Cùng với đó là chế tài xử phạt cha mẹ cố ý bỏ rơi trẻ em, ép buộc trẻ không được sống cùng gia đình, để các em tự sinh sống… Thế nhưng trên thực tế tình trạng bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em vẫn diễn ra, thậm chí ngày càng nhiều và phức tạp hơn.
Từ những vụ việc bỏ rơi trẻ em trong thời gian qua có thể thấy độ tuổi trung bình của phần lớn những người làm chuyện ấy còn rất trẻ, thậm chí có những “người mẹ” đang độ tuổi vị thành niên, nhận thức về kỹ năng sống, giới tính, tránh thai ngoài ý muốn là rất kém, cũng có thể là do đối phương (người cha của đứa bé) có những lý do buộc người mẹ phải bỏ rơi con mình. Nhiều người không được giáo dục về giới tính, tình dục an toàn; sống buông thả, dễ dãi… Khi có thai ngoài ý muốn thì không có cách giải quyết hợp lý, sinh con ra rồi vứt bỏ con và không nghĩ đó là một hành động đang tự “giết” con mình.
Ngoài ra nỗi lo cơm áo gạo tiền; Lo giấu gia đình hay hổ thẹn, xấu hổ với làng xóm, anh em họ hàng đã mang lại tâm lý bất an, gây nên sự căng thẳng trong cuộc sống, khiến họ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ, không lường trước được hậu quả xảy ra. Một số người mẹ bỏ con vì không muốn mang tiếng chưa chồng mà có con hoặc bỏ con, hay chỉ vì giận chồng, dỗi người yêu nên vứt bỏ đứa con để trả thù, hoặc cũng có thể là do sự xuất hiện của đứa trẻ đem đến nhiều căm ghét, hờn tức cho cuộc sống của đối phương … Đây thường là những bà mẹ trẻ do còn non dại, hoặc do trong những giây phút nghĩ quẩn, đường cùng, không biết cách giải quyết hợp lý dẫn tới giải pháp tiêu cực.
Bên cạnh đó đây cũng là sự thiếu trách nhiệm thậm chí vô cảm của người đàn ông khiến bạn trẻ mang thai để rồi làm nên việc làm nhẫn tâm và gây ra hậu quả đáng căm phẫn này; Thiếu sự quan tâm sát sao, chia sẻ của cha mẹ, người thân; Dẫn đến người phụ nữ một mình “vượt cạn” bị bỏ rơi, cùng với sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp luật, bị cảm xúc chi phối dẫn đến thực hiện hành vi vứt bỏ con…
Quan hệ tình dục là nhu cầu bình thường của mỗi con người, nhưng một bộ phận giới trẻ không có trách nhiệm với hành vi của mình, thì đây là một hành vi rất đáng lên án. Dù có dựa vào bất cứ lý do nào cũng không thể “bào chữa” cho việc vứt bỏ con mình đẻ ra. Đáng lẽ những người làm cha, làm mẹ phải là người chăm sóc, chở che yêu thương con mình nhất nhưng họ lại có hành vi nhẫn tâm đáng lên án…; Gây ảnh hưởng đến tâm lý của bộ phận giới trẻ, ảnh hưởng đời sống xã hội và sự văn minh của cả loài người.
Chúng ta hãy nghĩ đến tình huống xấu nhất xảy ra ở sau này: khi nhu cầu quan hệ của con người tăng cao, kéo theo đó cũng là việc bỏ rơi những đứa trẻ trở ngày càng trở nên phổ biến, thì liệu Việt Nam có thực sự là nhà nước định hướng Chủ Nghĩa Xã Hội nữa hay không? Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về lối sống, cách sống của giới trẻ hiện nay. Có phải là do thiếu kiến thức về sinh sản hay bị tác động bởi những thói hư, tật xấu ngoài xã hội và thiếu sự quan tâm từ phía gia đình, xã hội nên con người mới có những nhận thức sai lầm về cuộc sống và cách sống, thiếu kiến thức tự bảo vệ mình hay chăng? Đã đến lúc mỗi chúng ta cùng các cấp, các ngành chức năng của cả nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tri thức, sức khỏe sinh sản và các kiến thức tự bảo vệ bản thân cho thanh niên nói riêng cũng như ý thức trách nhiệm của con người nói chung.
Giải pháp
Việc mẹ vứt bỏ con mới đẻ không còn là chuyện xa vời đối với xã hội nước ta hiện nay. Thực trạng đáng báo động này cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về chuẩn mực đạo đức của một bộ phận người trong cộng đồng. Ngoài ra, đó là hành vi trực tiếp xâm phạm quyền được sống của con người, xâm phạm quyền trẻ em – quyền đã và đang được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy, để bảo vệ quyền của trẻ, các ban, ngành, đoàn thể với trách nhiệm và phạm vi quản lý của mình cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn cũng như đẩy lùi thực trạng đau lòng này. Cụ thể là pháp luật Việt Nam tăng tính răn đe nghiêm khắc để bảo vệ quyền sống cho những đứa trẻ.
Pháp luật cũng cần phải bổ sung chế tài với người cha của đứa trẻ, bởi pháp luật đã quy định nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái là nghĩa vụ của cả cha và mẹ. Trong chế tài hành chính có thể xử phạt cả người cha và người mẹ với hành vi bỏ rơi con. Do đó với chế tài hình sự thì nếu người cha gián tiếp thực hiện hành vi giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Ta cũng cần nhìn rộng ra, khi việc người mẹ, người cha bỏ rơi con sẽ có hai trường hợp xảy ra:
- Đứa bé vẫn có thể duy trì sự sống, do các nhà hảo tâm, bệnh viện nuôi dưỡng như những đứa trẻ mồ côi hoặc vẫn sống nhưng phải chịu những bệnh lý về thân thể như khuyết tật, thiếu lành lặn vì môi trường khi bị bỏ rơi
- Đứa bé bị bỏ rơi do môi trường quá khắc nghiệt mà mất đi quyền được sống ngay khi vừa mới chào đời được mấy ngày.
Dù trường hợp nào có thể xảy ra đi nữa nhưng ta cũng cần hiểu rằng, việc bỏ rơi những đứa bé chính là hành động vô nhân đạo của đấng sinh thành, nên bị xử lý Hình sự thay vì Hành chính. Đâu ai biết được hành động bỏ rơi sẽ gây ra hậu quả gì hay có ai biết được sau khi bị bỏ rơi đứa trẻ có tiếp tục được sống hay không? Chính vì thế mà pháp luật Việt Nam cần bãi bỏ hình phạt Hành chính để tăng tính răn đe, nghiêm khắc cho hành vi vi phạm pháp luật này để tiến tới mục tiêu giảm thiểu tình trạng những đứa trẻ bị bỏ rơi, thiếu vắng tình thương cha mẹ hay bị tước đoạt quyền sống.
Chúng ta cũng không nên chỉ áp đặt hành vi bỏ rơi con lên người mẹ, mà cần hiểu việc sinh và nuôi con là nghĩa vụ của cả hai người. Bởi thế pháp luật Việt Nam cũng nên áp dụng luật pháp về hành vi bỏ rơi con sau sinh lên người cha của đứa trẻ để mong rằng những người thân ruột thịt của đứa bé sẽ cùng nhau nuôi nấng, chăm sóc đảm bảo đứa trẻ được lớn lên khỏe mạnh.
Kết luận
Để xã hội ngày một văn minh, cuộc sống con người ngày một đủ đầy và trọn vẹn hơn, không điều gì khác ngoài việc mỗi chúng ta hãy cùng chung tay chấm dứt thực trạng nhức nhối này. Điều tôi muốn bàn đến ở đây là hãy vận dụng tối đa biện pháp tuyên truyền, vận động công dân, không ngừng đánh vào đạo đức của con người để lương tâm họ cảm thấy ăn năn, cắn rứt thêm vào đó là kết hợp với Luật pháp Việt Nam để cùng xây dựng nên xã hội người lành mạnh, an toàn, nhân văn, nhân đạo, văn minh.
Cuộc sống không đơn giản chỉ là việc sống như thế nào, mà chúng ta cần phải làm sao để cuộc sống ấy thật sự ý nghĩa, ai ai cũng được tận hưởng những quyền vốn đã dành cho họ, như những đứa trẻ – họ có quyền được sống và quyền được chăm sóc và bảo vệ, chính vì thế mà khi đã sinh đứa trẻ ra, bạn phải có trách nhiệm với nó cũng như với những việc mình đã làm. Vứt bỏ một sinh linh bé nhỏ có thể làm thỏa mãn nỗi “lo lắng” của bạn nhưng đằng sau đó là tội lỗi, là vô nhân đạo, bạn có nỡ?
Để góp phần xây dựng một Việt Nam nói không với “trẻ em bị bỏ rơi”, chúng ta hãy cùng trang bị những kỹ năng cần thiết cũng như nhận thức đúng đắn về hành động của mình, như phần giải pháp ở trên mình đưa ra chủ yếu nói về biện pháp pháp luật để giải quyết “hậu quả”, thì việc hạn chế từ nguyên nhân sẽ mang lại một kết quả có thể sẽ tốt hơn, giáo dục để trẻ hiểu được các biện pháp tình dục an toàn, tránh mang thai ngoài ý muốn, để những đứa trẻ khi được sinh ra đều là những đứa trẻ được mong muốn sinh ra với tình yêu thương từ cha mẹ, và dù nếu có chuyện gì đi chăng nữa thì mong rằng chúng ta vẫn chấp nhận, chịu trách nhiệm về việc mình đã làm thay vì trốn tránh, che dấu… Hơn thế nữa giữa bộn bề cuộc sống ngoài kia, bản thân tôi cũng rất mong bạn có thể cưu mang những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ hay thiếu vắng tình thương từ cha mẹ của chúng.
Bình luận