Mình may mắn khi có dịp được ghé thăm UAE (thực ra mình chỉ đi Abu Dhabi và Dubai) trong một tuần qua một chuyến công tác cùng công ty (22 – 28/6/2019). Chuyến công tác kéo dài hai ngày tại Dubai, nhưng mình nghỉ phép thêm để có cơ hội trải nghiệm đất nước con người nơi này, tất nhiên là chi phí ngoài công tác thì mình phải tự trả 😀 Và với bài viết này, mình muốn ghi chép lại những gì mình đã trải nghiệm trong thời gian một tuần đó.
Trước tiên mình phải nói, mình chỉ đi được một góc nhỏ của Abu Dhabi và Dubai, nên trải nghiệm của mình chỉ là cái nhìn chủ quan, mình viết bài này cũng để lưu giữ cái nhìn đó của mình và một chút review du lịch Dubai, Abu Dhabi. Hơn thế nữa, trong một tuần ở đây thì mình ở ngay giữa trung tâm dù là Dubai hay Abu Dhabi, nên có thể mình chỉ thấy được những thứ lộng lẫy mà người ta muốn mình thấy. Tuy nhiên, theo mình tìm hiểu thì hơn 80% dân số của hai tiểu vương quốc này sống tập trung tại thành phố. Cũng dễ hiểu thôi, vì nó nằm giữa sa mạc, nên sống rải rác ra thì nước đâu mà dùng!
Thành phố “ma”
Thành phố “ma” – đó chính xác là cảm nhận đầu tiên của mình khi bước xuống sân bay Dubai, 4h sáng và nhiệt độ ngoài trời hiện nay là 34 độ C – là thông báo từ chuyến bay mình vừa đáp. Mình rời sân bay trên một tuyến Metro để vào trung tâm vào buổi sáng sớm. Cảnh quan xung quanh mình rất giống cảnh tượng các thành phố trong phim khoa học giả tưởng như Skynet hay Train to Busan – hình ảnh một thành phố quạnh hiu sau khi bị tấn công. Xung quanh mình là các cần cẩu của các tòa nhà đang xây dựng ngổn ngang, tông màu vàng chủ đạo của các biệt thự san sát nhau, lác đác là một vài bóng người, một vài cây xanh, một vài xe cộ đang di chuyển.
Dubai nằm ngay giữa sa mạc, nên cây xanh ở đây là có thể nói là đắt đỏ bực nhất. Dù là các tòa nhà chọc trời, dù là các biệt thự mặt phố, nhưng sự hiện diện của cây xanh là rất hiếm hoi. Ở đây, người ta trồng cây trực tiếp lên đất cát và dùng công nghệ tưới nhỏ giọt (có lẽ là của Israel). Mình cũng chẳng hiểu tại vì sao mà người ta không mua đất từ nơi khác về san lấp cao tầm 1-2m rồi trồng cây lên đó, nước thì vẫn tưới dưới dạng nhỏ giọt, như vậy có lẽ sẽ hiểu quả hơn chứ nhỉ?
Ở đây, người ta thường mở của rất trưa, tầm 10h đến 11h các hàng quán, TTTM mới bắt đầu hoạt động. Trước khung giờ này, bạn chỉ có thể tìm đến các quầy thức ăn nhanh như McDonald hay Jollibee. Mặt khác, vì thành phố trong sa mạc, ban ngày nhiệt độ có thể lên tới 45 độ C (thậm chí là hơn), vậy nên các hoạt động ở đây chủ yếu là indoor, thậm chí là ngồi chờ xe bus cũng phải trong phòng lạnh, hay đi tàu điện, đến trạm cũng là phòng lạnh và các đường ống với máy lạnh dẫn tới các vị trí bạn cần tới. Vì thế nếu nhìn ra đường, bạn sẽ khó tìm thấy bóng người. Các tòa nhà hay văn phòng thì luôn trong tình trạng cửa đóng để tránh thoát khí máy lạnh. Và đặc biệt là hầu như các toà nhà gần nhau sẽ có một hệ thống đường hầm nối với nhau, cho nên có thể cả ngày đi làm ở đây, bạn không tiếp xúc trực tiếp với không khí ngoài trời.

Văn hóa cởi mở
Đa số người dân sống ở đây là những người theo đạo Hồi – một tôn giáo, một dân tộc có truyền thống vô cùng kín đáo, nên sẽ chẳng ai khuyến khích bạn ăn mặc “mát mẻ” ra đường hay vào các trung tâm cả. Thậm chí, trước khi qua đây, mình lên internet tìm hiểu thì còn nhận được các lời khuyên không được mang quần áo ngắn, dây chuyền. Nhưng trải nghiệm thực tế thì vẫn có đâu đó một vài phụ nữ mang áo hai dây, quần short ngắn ra ngoài, còn đàn ông thì thoải mái quá rồi.
Vậy tại sao mình lại nói văn hóa ở đây cởi mở? Hãy thử nghĩ, ở một nơi mà người ta đang quan niệm về sự kín đáo, phụ nữ ra đường trùm kín mặt chỉ hở ra chưa đến hai con mắt nữa, mà bạn có thể thoải mái mang những bộ đồ mát mẻ đi dạo thì rõ ràng người ta phải rất cởi mở để chấp nhận việc du nhập văn hóa các phương vào đây rồi còn gì. Điều này sẽ kinh khủng giống như việc Ngọc Trinh mang bộ váy mà đã mang trong sự kiện Cannes 2019, nhưng là đi dạo phố hay vào các trường học.

Đã làm thì làm cho tới
Dịch vụ ở Dubai và Adu Dhabi khá là đắt đỏ. Nhưng nó lại rất xứng đáng với từng đồng bạn bỏ ra. Nếu như bạn từng mua vé vào một bảo tàng nào đó với giá vài trăm ngàn và cảm thấy thất vọng với khoản tiền bỏ ra, thì tại bảo tàng Louvre – một bảo tàng kết hợp giữa tiểu vương Abu Dhabi với viện bảo tàng Louvre nổi tiếng tại Pháp, bạn phải bỏ ra khoảng 800K cho chiếc vé tham quan, nhưng những thứ bạn nhận lại được thì hoàn toàn xứng đáng.
Ở đây, bạn luôn nghe tới những từ nhất, như là bảo tàng lớn nhất bán đảo Ả rập, tòa tháp cao nhất thế giới, Apple Store lớn nhất thế giới, sân trượt tuyết trong nhà lớn nhất thế giới, vườn hoa lớn nhất thế giới… Từ những cái nhất đó, bạn có thể hình dung được việc luôn làm thì làm cho “tới” và sự giàu có của hai tiểu vương quốc này.

Abu Dhabi & Dubai – Sự giàu có
Với việc đã làm thì luôn làm cho tới như mình có đề cập ở trên đã một phần nào chứng minh sự giàu có của hai tiểu vương quốc này. Đồng thời qua các phương tiện truyền thông, chắc chắn chúng ta đã từng nghe ít nhất một vài lần về sự giàu có của họ rồi. Nhưng với mình, điều đó thể hiện rõ ràng nhất ở Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed – nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Bước vào nhà thờ thờ Sheikh Zayed này, bạn sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy và hào nhoáng của nó. Và thật tuyệt vời, các dịch vụ tại nhờ thờ đều miễn phí 100%, từ vé tham quan, thuê mượn quần áo, xe đưa đón… Không cần kể đến chi phí xây dựng, nghĩ tới chi phí vận hành nhà thờ này bạn cũng sẽ thấy không thể giàu có hơn được nữa rồi.
Trên đường, sự hiện diện của các chiếc xế sang phải nói là không kể hết, các mẫu xe như như Ford mustang, Chevrolet camaro, các dòng Mercedes, Audi, Range Rover hay Lexus thì nha nhả trên đường, các bãi đỗ xe. Thỉnh thoảng những chú bò Lamborghini hay ngựa Ferrari lướt ngang trên đường hay chen chúc khi kẹt xe như một chiếc sedan phổ thông là chuyện thường, nói vậy không có nghĩa là những siêu xe đắt đỏ chạy nườm nượp trên đường. Đa số các xe taxi ở đây là Camry, Uber tại Dubai chỉ có UberX hay Uber Premium – tức là bạn sẽ được đi Lexus hay Infinity hay các dòng xe đắt tiền khác khi book Uber.
Những trung tâm thương mại có diện tích sàn lên tới vài chục hecta là bình thường ở Dubai. Nếu bạn đi vào trung tâm thương mại như Dubai Mall hay Mall of the Emirates và nhắn cho bạn bè rằng “tao đang đứng trước cửa hàng H&M” thì chắc chắn còn lâu bạn của bạn mới tìm thấy bạn. Thứ nhất vì diện tích quá rộng của nó, thứ hai là bởi vì diện tích quá lớn nên các nhãn hàng ở đây không chỉ đặt tại một vị trí, mà đặt tới hai – ba hay bốn vị trí khác nhau để tránh bỏ sót khách hàng.
Và cũng chỉ đang dừng lại ở sự giàu có
Dubai và Abu Dhabi là hai tiểu vương quốc nhập cư, trong tổng dân số AUE thì chỉ khoảng 15% là dân bản địa, còn nếu tính ở hai tiểu vương phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất này thì con số đó có thể còn nhỏ hơn rất nhiều. Bởi vì là thành phố nhập cư, đa văn hóa nên con người ở đây tương đối là gần gũi, dễ mếm. Mọi người hầu như rất thân thiện, bởi họ cũng đến là những quốc gia khác và họ đã từng như bạn, nếu lần đầu tới đây. Bởi vì dân bản địa chiếm tỉ trọng khá thấp trong mật độ dân số, nên đa số (trên 80%) người bản địa là làm việc cho chính phủ, phần còn lại đa số cũng làm việc cho các doanh nghiệp quốc doanh. Nên để bạn bắt gặp một người bản địa ở đây là không quá nhiều. Thậm chí, công ty mình chi nhánh bên này không hề có một người bản địa nào, họ đến từ 23 quốc gia khác nhau.
Bên cạnh đó, nếu bạn làm việc ở đây, bạn sẽ không phải đóng một đồng thuế thu nhập cá nhân nào. Đổi lại, chi phí sử dụng dịch vụ công ở đây khá đắt đỏ. Mặc dù bạn sẽ đọc ở đâu đó thấy rằng, các dịch vụ công như học hành, chăm sóc y tế ở đây là miễn phí. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi bạn là công dân đất nước họ, còn một khi bạn là người nhập cư thì dù con của bạn sinh ra và lớn lên tại đây, chúng đều không có quyền công dân.
Nền kinh tế Abu Dhabi vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ (khoảng hơn 80%), còn ở Dubai, tỉ lệ này chỉ chiếm dưới 25% tổng GDP. Tuy nhiên, chung quy lại thì Dubai có thể giảm bớt lệ thuộc vào dầu mỏ là cũng nhờ vào nguồn thu dầu mỏ của Abu Dhabi. UAE đang xây dựng mô hình kinh tế thí điểm ở Dubai, tất nhiên, giống như một rich kid khởi nghiệp, nếu gặp khó khăn (ví dụ như khủng hoảng kinh tế 2007-2009) thì nguồn tiền vẫn được đổ từ Abu Dhabi về cho Dubai để duy trì và phát triển.
Là một quốc gia nhập cư, cũng như Mỹ hay Israel nhưng AUE nói chung không hề có “nội lực” như các quốc gia này. Mặc dù UAE vẫn luôn được bình chọn là top 10 quốc gia đáng sống của người nước ngoài. Điều mình muốn nói ở đây, UAE là một đất nước giàu có, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở sự giàu có. Họ không hề có một công trình nghiên cứu khoa học nào đáng kể. Các thương hiệu lớn như Lamborghini, Ferrari, IBM, Tesla, Oracle luôn có chi nhánh tại quốc gia này, nhưng cũng chỉ dừng lại ở showroom bán hàng thay vì các trung tâm nghiên cứu.
Nắng nóng quá thì chính phủ dùng trực thăng phun sương, thậm chí chính phủ còn dự kiến sẽ lắp máy lạnh toàn thành phố (nếu bạn hiểu đơn giản thì để máy lạnh làm giảm được bên trong 2 độ C thì nó phải xả ra môi trường 3 đến 4 độ C – như vậy rõ ràng đây là một tầm nhìn ngắn hạn hay trung hạn), cây vẫn được trồng lác đác bằng công nghệ tưới nhỏ giọt.
Điều này khác hoàn toàn với Israel, một quốc gia ở giữa sa mạc nhưng hàng năm vẫn xuất khẩu từ 2.2 tỉ đô la nông nghiệp đi EU, Mỹ và các nước khác. Các thương hiệu công nghệ lớn luôn có các trung tâm nghiên cứu đặt tại thành phố Tel Aviv. Cũng như thung lũng Silicon ở Mỹ là cái nôi công nghệ của thế giới. Có lẽ điều tạo nên sự khác biệt này, theo mình nó nằm ở chính sách nhập cư của chính phủ. Vì người nhập cư ở đây không có quyền công dân, nên họ sẽ đến đây làm kinh tế, kiếm tiền để rồi lại quay về lại quốc gia mà người ta có quyền công dân, chẳng ai bận tâm tới việc nghiên cứu làm sao 20 năm hay 50 năm nữa Dubai sẽ thành như thế nào.

Việc các thương hiệu đầu tư vào Dubai, có chăng là cũng vì mọi thứ quá thuận lợi. Nhờ nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào, UAE là một quốc gia có GDP đầu người cao ngất. Chính phủ dùng tiền để đầu tư bất động sản với các tòa nhà chọc trời và mời các công ty bên ngoài vào kinh doanh với các chính sách luật và thuế suất cực kì hấp dẫn. Chính phủ dùng tiền để mua các công nghệ tiên tiến nhất về sử dụng cho đất nước mình thay vì nghiên cứu.
Nhưng dù sao, công bằng mà nói, chính phủ ở đây còn khôn ngoan hơn Venezuela hay Zimbabwe – cũng là các quốc gia dầu mỏ – rất rất nhiều lần.
Tại sao phải nghiên cứu phát triển một cái mới khi mà nó đã có sẵn? Tại sao chúng ta không tập trung vào kinh tế là điểm mạnh của chúng ta, rồi các việc khác đã có một quốc gia khác lo. Có thể đó cũng là một trong những suy nghĩ của họ.
Bình luận